Thay vì chăm chỉ làm thêm giờ, chuyên gia khuyến khích người lao động xây dựng các mối quan hệ công việc và đặt giới hạn để phát triển sự nghiệp.

Ngày mới đi làm, không ít nhân viên được khuyên nên là người đến văn phòng đầu tiên và ra về cuối cùng. Brianna Doe, giám đốc marketing của công ty Verbatim có trụ sở tại Mỹ với 10 năm kinh nghiệm, cũng từng như vậy.

Để tạo ấn tượng với cấp trên và mong muốn được thăng tiến, cô luôn bắt đầu ngày làm việc rất sớm và ở lại công ty đến tối muộn. Nhưng thói quen này của Doe vô tình phản tác dụng. Làm việc trong thời gian dài khiến nữ nhân viên kiệt sức nghiêm trọng nhưng chất lượng công việc không được đảm bảo.

Nhìn lại quá khứ, Doe thừa nhận lời khuyên làm việc nhiều giờ nhằm thể hiện sự tận tụy, nhưng lại phải trả giá bằng thời gian cá nhân và sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống.

"Giờ đây tôi mới nhận ra đi sớm về trễ để ghi điểm là lỗi thời, đặc biệt trong văn hóa làm việc hiện đại, đang tập trung vào việc thiết lập ranh giới và ưu tiên sức khỏe tâm lý.

Đi sớm về khuya không giúp sự nghiệp thăng tiến  第1张

Đi sớm về muộn không giúp các nhân viên có thể thăng tiến trong sự nghiệp, ngược lại còn khiến tình trạng kiệt sức gia tăng. Ảnh minh họa: iStock

Stacie Haller, một cố vấn nghề nghiệp với hơn 30 năm kinh nghiệm tại ResumeBuilder (Mỹ) cũng đồng tình với quan điểm của Doe. Haller nói rằng những nhân viên ngày nay nhận thức được việc có mặt tại đủ 8 tiếng tại văn phòng không đồng nghĩa với năng suất hoặc hiệu quả công việc sẽ tăng.

Vị cố vấn gợi ý các nhân viên nên đầu tư thời gian vào việc xây dựng các mối quan hệ, tìm kiếm người cố vấn và học cách làm việc khoa học của những người thành công. Riêng với nhân sự Gen Z được khuyến khích tập trung vào việc vun đắp các mối quan hệ vì có thể đem đến những lợi ích lâu dài.

Về việc thăng tiến, Haller cho rằng đi sớm về muộn ngoài chứng tỏ bạn là người chăm chỉ, không còn có công dụng khác. Người cố vấn nói hiệu suất làm việc ấn tượng, tinh thần làm việc chủ động của một nhân viên mới là điều nên quan tâm.

Tuy nhiên, các chuyên gia về nghề nghiệp cũng khuyên người lao động cần phải tuân thủ văn hóa làm việc của công ty như có mặt đúng giờ, tham dự đầy đủ các cuộc họp và tránh bào chữa cho hành vi trái quy định của bản thân.

Còn với Doe, cô cũng hy vọng các cấp quản lý nên xem xét kỳ vọng của nhân viên, ưu tiên công việc thực tế và tham vọng của người lao động hơn là thời gian họ "mọc rễ" tại bàn làm việc.

Minh Phương (Theo CNBC)