Trung du miền núi phía Bắc có nhiều lợi thế về lâm nghiệp, khoáng sản và du lịch... có thể khai thác dựa trên khoa học công nghệ giúp gia tăng giá trị, phục vụ phát triển kinh tế vùng.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu thông tin tại hội thảo "Thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhanh và bền vững", tổ chức chiều 9/10 tại Cao Bằng.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh với tổng diện tích hơn 95.000 km2 chiếm 1/3 diện tích lãnh thổ của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái cả vùng Bắc Bộ. Theo Bộ trưởng, Vùng có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu... Tuy nhiên Vùng còn gặp nhiều khó khăn nhất cả nước, liên kết vùng yếu, chưa phát huy hết tiềm năng. Theo đó ông mong muốn đẩy mạnh các giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để khai thác và tận dụng lợi thế của vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh hơn, giúp đời sống của người dân trong vùng tốt hơn.

Ứng dụng công nghệ khai thác lợi thế vùng Trung du miền núi phía Bắc  第1张

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt (giữa) và ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng (trái) tham quan các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ giới thiệu tại hội nghị: Ảnh: TTTT

Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nêu nhiều khó khăn, trong đó vùng Trung du miền núi phía Bắc dễ bị tổn thương bởi thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó bên cạnh các giải pháp phát triển kinh tế ông cho rằng thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong khảo sát, dự báo tác động của thiên tai đến đời sống của người dân và phát triển là rất cần thiết. Ông mong muốn có các giải pháp ứng phó kịp thời để hạn chế rủi ro, tạo tiền đề cho sự phát triển.

Theo Vụ Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ, từ năm 2022 đến nay, các địa phương trong vùng Trung du miền núi phía Bắc đã thực hiện 494 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất 42,7%; khoa học xã hội và nhân văn 31,4%; khoa học công nghệ 11,3%; lĩnh vực khoa học y - dược 10,9%; còn lại là giáo dục - đào tạo, khoa học tự nhiên và sở hữu trí tuệ 10,4%.

Các nhiệm vụ tập trung vào việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhiều chương trình, nhiệm vụ quốc gia về các hình thái thời tiết nguy hiểm, cảnh báo lũ quét, sạt lở... đã được triển khai, tuy nhiên cần có những nghiên cứu sâu hơn, cập nhật kịp thời trong tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.

Ứng dụng công nghệ khai thác lợi thế vùng Trung du miền núi phía Bắc  第2张

Các đại biểu tham dự hội thảo tham quan sản phẩm tiêu biểu trưng bày tại sự kiện. Ảnh: TTTT

Nhờ ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, Hà Giang đã nhân giống và phát triển trồng một số loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm cấp quốc gia. Địa phương này đã xây dựng được hai Vườn Bảo tồn cây thuốc, mỗi vườn quy mô 0,3 ha tại Bắc Quang và Đồng Văn, trồng bảo tồn có 45 loài cây thuốc quý hiếm, 21 loài cây thuốc trồng nhập nội và 58 loài cây thuốc trồng bản địa.

Ở Lạng Sơn đã phát triển các sản phẩm Hồng Vành khuyên, quýt Tràng Định, hạt dẻ, chè dưới tán hồi huyện Bình Gia, khoai lang Lộc Bình, lúa Bao Thai Hồng Tràng Định, gà sáu ngón Mẫu Sơn, gà Vạn Linh...

Nhiều giống cây, con được phát triển và ứng dụng thành công tại các mô hình ở Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ... mang lại hiệu quả kinh tế.

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất thời gian tới tiếp tục triển khai các Chương trình quốc gia nhằm hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao thành tựu, tiến bộ kỹ thuật vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển đời sống, kinh tế của nhân dân trong vùng.

Bảo Chi