Cơ quan điều tra làm rõ việc Bùi Văn Tân - chủ hệ thống xe gắn máy Tân Tiến ở TPHCM - đã lừa đảo, chiếm đoạt 9,3 tỷ đồng của khách hàng bằng chiếu thức “hóa kiếp” xe gian để bán như xe mới ra thị trường.
Cơ quan CSĐT Công an TPHCM ngày hôm nay (19/9) hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND TPHCM đề nghị truy tố Bùi Văn Tân (41 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và "Mua bán tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Có 12 đồng phạm của Tân trong vụ án cũng bị đề nghị truy tố về 1 trong 2 tội danh nói trên.
Bị can Bùi Văn Tân khi bị bắt giữ. Ảnh: Công an cung cấpCơ quan điều tra xác định, từ năm 2021 đến khi bị phát hiện vào đầu năm 2024, Tân đã lừa và chiếm đoạt 9,3 tỷ đồng của 258 khách hàng thông qua việc bán 259 xe máy được ”hoá kiếp" từ xe gian để bán ra thị trường như xe mới.
Theo điều tra, Bùi Văn Tân thành lập 4 cửa hàng xe gắn máy, gồm: Tân Tiến (ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh), Tân Tiến 2 (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), Công ty TNHH xe máy Thảo Vân (phường Tân Thới Nhất, quận 12) và Công ty TNHH mua bán xe máy Lâm Tới (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Bắt đầu từ cuối năm 2021, Tân tiến hành các hoạt động lừa đảo bằng cách mua xe có nguồn gốc phạm pháp, không giấy tờ để “phù phép” thành xe mới, rồi bày bán tại các cửa hàng của mình.
Theo đó, số xe gắn máy cũ được Tân mua lại từ các trang rao vặt trên mạng xã hội, từ các tiệm cầm đồ… và một số nguồn khác, từ 18 - 22 triệu đồng/xe tùy vào dòng xe, độ mới cũ...
Nhóm 3 đối tượng bán phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe mô tô, gồm (từ trái qua phải): Nguyễn Sỹ Toàn, Nguyễn Thị Kiều Oanh và Nguyễn Đình Sùng. Ảnh: Công an cung cấpTân cũng đã mua sẵn lượng lớn phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe mô tô, với giá 500 nghìn đến 1 triệu đồng/phiếu từ các đối tượng như: Nguyễn Đình Sùng (chủ hệ thống cửa hàng ô tô - xe máy Hà Thành, quận Bình Tân), Nguyễn Thị Kiều Oanh (quản lý của các đại lý Honda Hồng Hạnh 4, 5, 6 ở Bình Dương và TPHCM), Nguyễn Sỹ Toàn (chủ Công ty TNHH TM xuất nhập khẩu Sông Ngân).
Với xe gian mua được, Tân chỉ đạo nhân viên tháo biển số, thay áo. Sau đó, Tân yêu cầu nhân viên giao xe đến cửa hàng sửa xe Phát Đạt (huyện Bình Chánh) do Nguyễn Hữu Oai (34 tuổi) và Nguyễn Hữu Như (40 tuổi) làm chủ.
Tại đây, Oai và Như tiến hành công đoạn mài, đục số khung, số máy mới cho trùng khớp với số khung, số máy trên phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe mô tô. Tân trả công cho Oai và Như 1 triệu đồng/xe.
Nguyễn Hữu Oai (trái) và Nguyễn Hữu Như. Ảnh: Công an cung cấpSau đó, xe được mang về các cửa hàng Tân Tiến 1 và Tân Tiến 2, giao cho nhân viên kỹ thuật để tân trang thành xe “lướt”, xe mới rồi bày bán cho khách hàng.
Khách hàng tin tưởng vì có các phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe mô tô. Tân cũng cam kết với khách bảo đảm đăng ký xe. Sau đó, Tân móc nối với các đối tượng môi giới để làm dịch vụ đăng ký xe mô tô. Như vậy, khách hàng mua và sử dụng vẫn nghĩ là xe hợp pháp.
Được biết, đây là vụ án được phát hiện bởi lực lượng Công an TPHCM khi phối hợp cùng Cục Cảnh sát giao thông (C08 - Bộ Công an) thông qua công tác đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy theo chức năng. Từ nghi vấn một số xe mài, đục số khung và số sườn, lực lượng công an điều tra phát hiện nguồn gốc bán xe tại các cửa hàng Tân Tiến do Tân làm chủ.
Công an nhận định, đường dây này đã lừa bán ra thị trường hàng nghìn xe gắn máy cho người dân ở các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng mới xác định được 258 nạn nhân đã mua 259 xe máy và bị lừa, chiếm đoạt tổng cộng 9,3 tỷ đồng.
Đăng thảo luận