(NLĐO) - Một nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Huế cho thấy bệnh nhân bị bệnh ung thu vùng đầu - cổ giai đoạn 2010-2020 tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước.
Ngày 23-8, Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Đại học Y Dược Huế phối hợp tổ chức hội nghị khoa học Phòng chống ung thư thường niên - Huế lần thứ 12, năm 2024. Đây là chuỗi các hoạt động chuyên môn và hội nghị, hội thảo khoa học chào mừng kỷ niệm 130 năm thành lập và phát triển Bệnh viện Trung ương Huế (1894- 2024).
Quang cảnh buổi hội thảo khoa học phòng chống ung thư.
Bệnh ung thư vẫn là nhóm bệnh lý không lây nhiễm luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của ngành y tế và toàn xã hội. Theo GLOBOCAN 2022, có khoảng 20 triệu ca ung thư được chẩn đoán trên toàn thế giới, tăng so với 18 triệu ca vào năm 2020. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, IARC dự đoán tỉ lệ ung thư sẽ tăng 142% ở các quốc gia kém phát triển và tăng 99% ở các quốc gia có mức phát triển trung bình.
Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ước tính đã tăng gấp 3 lần sau 30 năm và điều đáng quan ngại hiện nay là bệnh nhân ung thư đang có xu hướng trẻ hóa. Cũng theo GLOBOCAN 2022, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc mới ung thư xếp thứ 90/185 quốc gia và tỷ lệ tử vong do ung thư xếp thứ 50/185 quốc gia. Ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Hiện có hơn 350.000 người Việt Nam đang sống với bệnh ung thư.
Tại một nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Huế về các ung thư vùng đầu - cổ được chẩn đoán ở giai đoạn 2010-2020, tỉ lệ bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi là 11,2%, tăng gần gấp đôi so với số liệu 10 năm trước đó. Tuy nhiên theo thời gian và theo sự phát triển của xã hội cùng những tiến bộ y học vượt bậc, việc chẩn đoán và điều trị ung thư đã có những bước phát triển mới, nhiều thành tựu đáng khích lệ. Ngày càng nhiều bệnh nhân ung thư đã được chữa khỏi hoàn toàn. Điều đáng mừng là chẩn đoán và điều trị ung thư tại Việt Nam hiện nay đã tiếp cận được những tiến bộ về công nghệ trên thế giới.
Đăng thảo luận