"Thương người như thể thương thân" là truyền thống quý báu của dân tộc ta, đặc biệt là sau mỗi lần xảy ra các thiên tai, địch họa. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất thì việc cứu trợ phải đạt các tiêu chí “nhanh, khả thi, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng” theo nội dung Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ.
Kịp thời, thiết thực, đúng người, đúng thời điểm
Ngày 17/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Quan điểm của Chính phủ là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản; huy động mọi nguồn lực, quản lý và phân bổ hợp lý, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, bảo đảm công khai, minh bạch.
Mục tiêu là bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết; bảo đảm an sinh xã hội, sớm khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội. Đối tượng hỗ trợ là người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (còn gọi là "siêu bão Yagi), ngập lụt, lũ, sạt lở đất.
Nguyên tắc tổng thể cứu trợ đối với nạn nhân thiên tai là như vậy nhưng biện pháp cụ thể là như thế nào?
Theo ông Trần Sỹ Pha, Trưởng ban Ban Công tác xã hội-Quản lý thảm họa (Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam), để biết người dân bị ảnh hưởng của bão lũ cần gì nhất thì các đoàn cứu trợ nên liên lạc thông qua kênh chính thức là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập Đỏ bởi các tổ chức này có các số liệu thống kê khá chính xác, chi tiết về tình hình thiệt hại, nhu cầu cấp bách nhất của những nơi bị ảnh hưởng.
Các tình nguyện viên di chuyển bằng xuồng đến trao hỗ trợ cho người dân bản Cuông 2, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Phùng Nam Sương/TTXVN)
Đăng thảo luận