Vừa qua, báo Tiền Phong đăng bài “Người dân khổ sở vì đường làm mãi chưa xong ở Bình Dương". Bài viết phản ánh những khó khăn của người dân trong khu vực liên quan đến công trình Nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Chí Thanh.
Liên quan đến dự án này, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND thành phố Thuận An đã thông tin về tiến độ, đồng thời giải thích lý do một số vị trí mặt đường cao hơn nhà dân.
Theo lãnh đạo thành phố Thuận An, công trình nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Chí Thanh có chiều dài 2.250,45m, điểm đầu giáp đường Chòm Sao, điểm cuối giáp cầu sắt xe lửa cũ. Nền đường rộng 18m, trong đó mặt đường bê tông nhựa rộng 12m, vỉa hè mỗi bên rộng 3m. Công trình đang được tổ chức triển khai thi công xây dựng.
Về nguyên nhân “tuyến đường được bồi đắp lên cao, dẫn tới nhiều nhà dân thấp hơn mặt đường gây khó khăn trong việc đi lại của người dân hai bên đường”, thành phố Thuận An cho biết, trong quá trình thiết kế đã thực hiện công tác khảo sát hiện trạng, địa hình.
Công trình nâng cấp đường Nguyễn Chí Thanh đang thi công
Thành phố Thuận An cho biết, do khu vực ảnh hưởng bởi triều cường nên nâng cấp mặt đường cao và một số vị trí nhà dân thấp hơn là điều khó tránh khỏi
Hồ sơ thiết kế sử dụng mốc cao độ quốc gia (mốc cao độ Hòn Dấu), đối chiếu Quy hoạch phân khu, tổ chức họp dân và thông qua các ban, ngành có liên quan, địa phương khi thực hiện công tác thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế để đảm bảo hạn chế tối đa việc nâng nền đường quá cao gây ảnh hưởng đến người dân sinh sống hai bên đường.
Tuy nhiên, do khu vực xây dựng công trình thuộc phường Bình Nhâm, phường Hưng Định chịu ảnh hưởng của thủy triều từ các kênh rạch với mực nước triều bình quân là 1.70, trường hợp có mưa lớn, kết hợp xả lũ của hồ Dầu Tiếng thì mực nước cao nhất lên đến 2.10 (theo mốc cao độ quốc gia). Trong khi đó, cao độ của tuyến đường Nguyễn Chí Thanh hiện trạng (khi chưa triển khai thi công) là từ 1.60 đến 1.80 nên có một số điểm bị ngập nước khi có triều cường. Việc đầu tư nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Chí Thanh đã cân nhắc nhiều yếu tố tiêu chuẩn kỹ thuật về cao độ mực nước thủy triều để chống ngập cũng như hiện trạng thực tế, đảm bảo việc lưu thông của người dân trong khu vực. Đồng thời, công trình đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, hạn chế nâng nền đường quá cao có thể ảnh hưởng đến dân cư sinh sống hai bên tuyến đường.
Lãnh đạo UBND thành phố Thuận An cho biết, sau khi rà soát tất cả các yếu tố và trên cơ sở góp ý của các sở, ban, ngành liên quan, UBND thành phố Thuận An đã thống nhất trình và được phê duyệt hồ sơ thiết kế với cao độ dao động trong khoảng từ 2.00 đến 2.20. Việc một số nhà dân đã xây dựng trước đây bằng với nền đường cũ, hiện nay sẽ thấp hơn mặt đường mới khi hoàn thiện là không thể tránh khỏi. Dù vậy, việc thoát nước mưa vẫn đảm bảo nhờ các hệ thống mương, kênh rạch xung quanh trong khu vực này.
Thành phố Thuận An chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành dự án
Về tiến độ thi công, UBND thành phố Thuận An cho hay, công trình được phát lệnh khởi công vào cuối năm 2023, theo kế hoạch đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành. Hiện nay, phần khối lượng, chiếm tiến độ lớn nhất của công tác thi công công trình này là hạng mục thoát nước mưa cơ bản hoàn thành. Việc thi công phần nền đường đang thực hiện khẩn trương, chuẩn bị triển khai thảm bê tông nhựa hoàn thiện mặt đường và thi công lát gạch vỉa hè. Đến nay, tổng khối lượng đã thi công hoàn thành khoảng 70%.
UBND thành phố Thuận An đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố liên tục bám sát dự án, kịp thời giải quyết ngay các vấn đề có liên quan trong quá trình thi công và đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh, vượt tiến độ đã đăng ký, cố gắng hoàn thành trước kế hoạch đề ra.
Người dân khổ sở vì đường làm mãi chưa xong ở Bình Dương 05/09/2024 Người dân khốn khổ đi trên đường liên xã chi chít 'ổ voi' 03/06/2024Nhịp sống phương Nam
Mưa dông gia tăng trong tuần mới ở TPHCM và Nam bộ
Xã hội
Hồ thuỷ điện lớn nhất miền Nam xả lũ, người dân 'xé rào' vào xem
Nhịp sống phương Nam
Thông xe 2 công trình giao thông 4.300 tỷ ở Bình Dương
Nhịp sống phương Nam
Biệt thự cổ 'nhà lầu ông Phủ' 100 tuổi ở Đồng Nai: Bảo tồn hay phá dỡ?
Nhịp sống phương Nam
Đăng thảo luận