Giờ tan trường tại Trường tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội), trong lúc chờ phụ huynh đón, học sinh túm tụm ở hành lang chơi điện tử. Em có điện thoại thì chơi game, em không có cũng chụm vào xem ké. Không ít học sinh được phụ huynh trang bị cả điện thoại thông minh, thậm chí có em còn được mang cả ipad đến trường.
Cô Nguyễn Thị Lệ Thi, giáo viên một trường tiểu học tại Hà Nội cho rằng, phụ huynh không nên giao điện thoại sớm cho học sinh vì hiện nay con học ngày 2 buổi ở trường, tan học đúng giờ thuận lợi đưa đón. Cô Thi cũng cảnh báo nhiều trường hợp, giờ ra chơi học sinh lén mở các trang website nội dung độc hại để “cho nhau xem”. Khi thấy cô giáo đến lập tức tắt máy và giấu vào ngăn bàn.
Chị Dương Thu Hà, có con đang học lớp 5, một trường tiểu học ở Hà Nội chia sẻ, từng bị sốc vì con kể, bạn ở lớp cho xem phim người lớn trên điện thoại. Chị còn bị sốc hơn khi con tiết lộ, bạn cùng lớp kể ở nhà có phòng riêng nên khóa cửa xem “phim đen” trên điện thoại và bố mẹ không biết.
Bà Phạm Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Kim, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Tất cả học sinh mang điện thoại đến trường, tới giờ học phải tắt máy hoàn toàn hoặc gửi vào một hộp đặt trong lớp. “Chỉ khi giáo viên có bài giảng yêu cầu nội dung khai thác tư liệu, học sinh mới được phép sử dụng điện thoại”, bà Hà nói.
Học sinh một trường học ở Hà Nội túm tụm xem điện thoại sau giờ học Ảnh: Hà Linh
Trường “cấm” nhưng khi kiểm tra vẫn có trường hợp học sinh lén lút chơi điện tử, lướt mạng xã hội ngay trong giờ học. Khi phát hiện, học sinh sẽ lập tức bị tịch thu điện thoại và nhà trường mời phụ huynh đến trao đổi. Để tiện cho học sinh liên lạc với gia đình khi có việc, trường này cũng lắp điện thoại bàn cố định ngay ở phòng bảo vệ gần cổng. Mỗi tháng hết khoảng 1 triệu tiền điện thoại nhưng giải quyết được nhu cầu đưa đón, trao đổi thông tin của học sinh và gia đình. “Điện thoại nếu được sử dụng đúng mục đích là rất tốt nhưng khi được giao toàn quyền sở hữu thử hỏi mấy em chỉ dùng cho học tập. Không nên cấm hoàn toàn học sinh sử dụng điện thoại nhưng nhà trường và gia đình phải phối hợp để có những quy định phù hợp”, bà Hà nói.
Còn bà Đặng Thị Thanh Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt (Hà Nội) cho biết, trước đây trường cũng cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học và cũng vấp nhiều ý kiến trái chiều. Trong một giờ học chuyên đề môn Sinh học do chính hiệu trưởng đứng lớp, đến nội dung giáo viên yêu cầu học sinh quét mã QR để tổ chức trò chơi, thông qua đó đánh giá năng lực tiếp nhận kiến thức bài học, các em tham gia sôi nổi. Như vậy, rõ ràng điện thoại thông minh là phương tiện học tập hữu ích. “Tuy nhiên, cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường học như con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng sai mục đích, trẻ sẽ bị cuốn vào chơi điện tử, bị tiêm nhiễm thông tin xấu độc. Còn cứ cấm cản trẻ cũng có nguy cơ bị tụt hậu trước nhiều cái mới”, bà Đặng Thị Thanh Hà, nguyên hiệu trưởng trường THCS Hoàng Liệt (Hà Nội) nói.
Bà Hà cũng đặt ra tình huống, cấm hoàn toàn sử dụng điện thoại trong trường học, có thể nảy sinh tình huống các em lén lút mang đi và sử dụng. Như vậy, lâu dài cũng hình thành sự dối trá ở học trò. Điều quan trọng là giáo dục ý thức, dạy cho các em hiểu sử dụng thế nào cho đúng và có trách nhiệm với việc học.
“Tuy nhiên, cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường học như con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng sai mục đích, trẻ sẽ bị cuốn vào chơi điện tử, bị tiêm nhiễm thông tin xấu độc. Còn cứ cấm cản trẻ cũng có nguy cơ bị tụt hậu trước nhiều cái mới”
Bà Đặng Thị Thanh Hà, nguyên hiệu trưởng trường THCS Hoàng Liệt (Hà Nội)
Học sinh không được tự do dùng điện thoại
Thông tư số 32 năm 2020 của Bộ GD&ĐT quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
Thông tư từng gây tranh cãi rất lớn vì Bộ GD&ĐT quy định không cấm hoàn toàn việc học sinh sử dụng điện thoại trên lớp. Thậm chí, học sinh đua nhau sử dụng điện thoại từ sớm, biết lập các nhóm chat trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh nảy sinh nhiều hệ lụy. Thực tế cũng đã có những sự việc như lên mạng kích động, nói xấu bạn dẫn đến kéo bè phái, đánh nhau hay học sinh quay lén thầy cô tung lên mạng xã hội…
Trường THCS - THTP Lương Thế Vinh (Hà Nội) không cấm học sinh mang điện thoại tới trường nhưng đưa ra quy định: “Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai; chỉ được ấn nút “like” khi đã đọc kỹ nội dung; nếu “like” những status có nội dung xấu, học sinh sẽ bị quy trách nhiệm”…
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay nhiều phụ huynh trang bị điện thoại sớm cho con để tiện cho việc liên lạc đưa đón. Tuy nhiên, để quản lý, trước năm học, sở đều có yêu cầu các nhà trường quán triệt học sinh không được sử dụng điện thoại trong giờ học khi không được giáo viên cho phép. Trường phải có nội quy, quy định rõ việc khi mang điện thoại tới trường, học sinh phải để đúng nơi quy định và hết giờ học mới giao trả thiết bị cho các em. Trường hợp có những giờ học, giáo viên yêu cầu học sinh sử dụng cho bài tập nhóm hay tìm kiếm thông tin bổ sung cho bài học, học sinh được lấy để sử dụng.
Xem nhiềuGiáo dục
Quảng Ninh miễn phí 167 tỷ đồng học phí cho học sinh năm học 2024 - 2025
Giáo dục
Tranh cãi chuyện giải tán ban phụ huynh
Giáo dục
TPHCM: Phụ huynh bị 'vận động' đóng góp ít nhất 200.000 đồng làm đường
Giáo dục
10 trường đại học có doanh thu trên nghìn tỷ
Giáo dục
Đăng thảo luận