Hãy dùng "quyền lực mềm" để "giám sát" con, đó chính là sự quan tâm, thấu hiểu, lắng nghe và tình yêu thương, rồi sẽ đến lúc con đủ tin tưởng, sẵn sàng sẻ chia mọi "bí mật" với cha mẹ.
Đón con gái học lớp 7 về, chị Thanh thấy điện thoại của con để trên bàn liên tục có tin nhắn đến. Tò mò, chị bật màn hình điện thoại mở xem nội dung tin nhắn. "Bạn về đến nhà chưa, nhớ tối lên Facebook để trao đổi…", "Mình đợi bạn lúc 20 giờ"…
Đọc xong tin nhắn, chị ngay lập tức tra hỏi con gái. Biết mẹ đã xem tin nhắn của mình, con gái chị tỏ vẻ bực mình, chất vấn mẹ: "Sao mẹ lại lấy điện thoại rồi lén đọc tin nhắn của bạn gửi con…", "Mẹ phải tôn trọng chuyện riêng tư của con chứ"...
Trước phản ứng cũng như thái độ của con, chị Thanh giận dữ cho rằng con còn nhỏ, chị làm mẹ nên có quyền đọc tin nhắn và kiểm soát tất cả mọi hành động của con... Cũng từ đó, con gái chị tỏ ra "cảnh giác" với mẹ, cũng không còn tâm sự mọi chuyện với mẹ như đã từng.
"Tôi biết việc lén đọc tin nhắn trong điện thoại của con là không hay nhưng thời buổi này có nhiều chuyện ghê quá, nhất là với con gái ở tuổi mới lớn… Đọc tin nhắn để còn sớm phát hiện, phòng ngừa" - chị Thanh biện minh.
Với chị Loan, đồng nghiệp của tôi, có con gái đang học lớp 8, xinh xắn nên được nhiều bạn nam để ý. Gần đây, cháu có biểu hiện "lấm la lấm lét" mỗi khi có tin nhắn đến. Trước cử chỉ của con, chị thật sự tò mò tìm cách để xem tin nhắn nhưng chị thừa nhận không thể kiểm soát được hết các tin nhắn của con bởi "biết đâu tin nhắn kiểu yêu đương con đã xóa đi". Chị chỉ còn cách thường xuyên "đe" con gái phải lo học hành, không được tập tành yêu đương sớm…
Có thể thấy, ở lứa tuổi 13-15, trẻ đã có những thay đổi về tâm sinh lý, giới tính lẫn những cảm xúc "đầu đời". Trẻ cũng đã bắt đầu biết che giấu cảm xúc thật, không "tin tưởng" để có thể tâm sự hết với cha mẹ vì sợ bị la mắng, cấm cản, kiểm soát. Trẻ cũng đã lớn để biết mình có quyền riêng tư và đó là quyền cần được tôn trọng, bảo vệ...
Trong khi đó, con dù đã lớn nhưng trong mắt cha mẹ vẫn là những đứa trẻ còn non nớt, cần được bảo vệ để tránh rơi vào cạm bẫy. Và cách bảo vệ mà cha mẹ thường chọn chính là quản lý, kiểm soát chặt chẽ "mọi đường đi nước bước" của con.
Dĩ nhiên, lo lắng của cha mẹ không thừa khi hằng ngày có không ít vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên (phạm tội hoặc là nạn nhân) và càng hiển nhiên bởi trẻ 13-15 tuổi vẫn là những đứa trẻ trong độ tuổi vị thành niên "ăn chưa no, lo chưa tới", cần sự kiểm soát, quản lý, giám sát, bảo vệ của cha mẹ, ông bà và người lớn trong gia đình.
Thế nhưng, con trẻ vẫn cần có "khoảng trời riêng" hay nói cách khác, cần có sự riêng tư và đây là nhu cầu chính đáng của con trẻ. Việc cha mẹ kiểm soát thái quá có thể khiến trẻ có cảm giác bị theo dõi, không được tin tưởng, không được tôn trọng, thậm chí bị xâm phạm thô bạo quyền riêng tư.
Điều đó làm cho trẻ bị tổn thương, đẩy cha mẹ ngày càng xa, đôi khi có những phản ứng chống đối, cự tuyệt. Như thế, những gì trẻ đang gặp phải trong cuộc sống, học hành, sẽ không được chia sẻ. Nếu gặp phải đối tượng xấu rủ rê hoặc trẻ bị bạo lực, xâm hại…; cha mẹ sẽ khó nhận ra để có giải pháp bảo vệ con kịp thời.
Vậy nên, thay vì lo lắng thái quá về những "bí mật" trong chiếc điện thoại của con, cha mẹ cũng có thể giải tỏa nỗi lo lắng của mình bằng những gợi ý khéo léo, bằng những câu hỏi vui với tâm thế của một người bạn để con chia sẻ thoải mái. Hãy dùng "quyền lực mềm" để "giám sát" con, đó chính là sự quan tâm, thấu hiểu, lắng nghe và tình yêu thương, rồi sẽ đến lúc con đủ tin tưởng, sẵn sàng sẻ chia mọi "bí mật" với cha mẹ.
Đăng thảo luận