Còn đâu bản làng như tranh
Thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) bị lũ quét hôm 10/9. Đến nay, vẫn còn 13 người mất tích, công tác tìm kiếm cứu nạn tiếp tục được triển khai. Nhà văn hóa thôn Làng Nủ đón các đoàn thiện nguyện từ khắp cả nước.
Khu vực đồi sim, nơi được chọn làm nơi tái định cư cho người dân Làng Nủ
Người thân của các nạn nhân trong vụ sạt lở đang tập trung tại một chiếc lán nhỏ, dựng tạm phía sau nhà văn hoá thôn. Hằn sâu trong ánh mắt họ là một nỗi buồn sâu thẳm. Họ chỉ kịp chôn cất người thân bị nạn vội vàng. Sau đại nạn, họ kiệt quệ cả sức lực lẫn tinh thần, nhất là những gia đình có người thân vẫn còn mất tích.
Nhưng lũ quét và sạt lở đất không chỉ cướp đi gia đình của những người dân Làng Nủ, mà còn cướp sạch tài sản của họ. Anh Hoàng Văn Tin, người dân Làng Nủ kể lại, ngày trước, Làng Nủ là một trong những thôn được thiên nhiên ưu đãi nhất xã Phúc Khánh.
Đất đai màu mỡ, hai bên là những cánh đồng lúa xanh rì, được tưới mát bởi một dòng suối mát chảy từ đỉnh núi Con Voi xuống, đẹp như tranh vẽ. Hầu như năm nào mùa màng cũng bội thu. Người dân còn chăn nuôi thêm cả gà, lợn, làm ao nuôi cá tầm và khai thác lâm sản từ rừng phòng hộ để tăng thu nhập.
Khởi công khu tái định cư Làng Nủ
Thiên nhiên cho họ tất cả, rồi cũng lấy đi tất cả. Bây giờ, đến một con giống, một mảnh ruộng trong tay, họ cũng không có. Chỉ còn bùn, đất, xác cây, xác nhà và những thi thể chưa được tìm thấy. Trong ánh mắt những người may mắn thoát nạn, chất chứa những bộn bề lo toan phía trước.
“Tôi chưa biết sẽ đi đâu, làm gì để sống”, anh Hoàng Văn Voi, người dân thôn Làng Nủ buồn bã nói. Lũ quét và sạt lở đất đã cướp đi người vợ và con trai út của anh, chưa tính họ hàng của anh. Mẹ và con gái lớn của anh vẫn đang nằm viện. Viện phí, tiền xây nhà, mua đồ đạc, học phí cho con… Biết bao nhiêu gánh nặng đang chờ anh phía trước. Anh cứ mở điện thoại lên một lúc rồi lại tắt đi, lướt đâu cũng thấy ảnh, video về thảm họa ở Làng Nủ.
Ngồi bên cạnh, anh Hoàng Văn Tin không nói gì, chỉ vỗ nhẹ vai anh Voi. Hoàn cảnh anh Tin cũng tương tự. Gia đình 4 người giờ chỉ còn mình anh. Nhà cửa, ruộng vườn, vật nuôi đều mất trắng, chỉ còn cái cuốc đất đang cho người khác mượn. Nhận được quần áo cứu trợ mà cảm xúc anh lẫn lộn, vì không biết mang về cho ai mặc...
Không chỉ mất người thân, anh Hoàng Văn Tin cũng mất toàn bộ tài sản sau trận sạt lở
Còn người là còn làng
Bên cạnh việc tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích, công tác tái thiết lại thôn Làng Nủ và lo sinh kế, việc làm cho người dân cũng được lãnh đạo huyện và xã rất quan tâm. Theo ông Nguyễn Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên, hiện khu tạm định cư cho người dân đã bắt đầu được khởi công xây dựng.
Ở khu tái định cư tại đồi sim nằm ở đầu thôn Làng Nủ, công tác đền bù và giải phóng mặt bằng đang được triển khai tích cực. Lịch khởi công được ấn định vào ngày 21/9. “Người dân Làng Nủ đều nhất trí cao với địa điểm này”, ông Nhất nói.
Những ngày qua, đoàn viên, thanh niên của xã Phúc Khánh và Công ty cổ phần Cấp nước tỉnh Lào Cai đã kéo những đường ống dẫn nước về các khu tạm cư và tái định cư. Nước sạch đã về tới téc nước dự trữ của khu tạm cư. Nhân viên của Công ty Điện lực Lào Cai cũng đang miệt mài ngày đêm để kéo điện về nơi ở mới của người dân Làng Nủ.
Hỏi dân làng, tôi nhận ra đồi sim đáp ứng được nhu cầu cấp thiết nhất của họ. “Ở đâu cũng được, nhưng trước hết phải an toàn đã. Đồi sim cao hơn nơi ở cũ, không lọt giữa các vách núi nên chúng tôi cũng yên tâm hơn. Không ai muốn tiếp tục ở chỗ cũ nữa. Vừa mất an toàn lại vừa ám ảnh. Những ký ức về người thân cứ ùa về…”, bà Hoàng Thị Sời, người dân Làng Nủ nói.
Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của người Tày tại Làng Nủ cũng rất được quan tâm. Theo anh Hoàng Văn Voi, người làng đã sống hàng chục năm tại thung lũng bằng phẳng, nếu chuyển sang sống tại đồi núi ắt sẽ mất nhiều thời gian để thích nghi. Vì ở địa hình đồi núi, sẽ khó làm nhà sàn hơn và không thể canh tác lúa nước ngay cạnh nơi ở như trước kia. Mặc dù đây là sự đánh đổi cần thiết để đảm bảo an toàn, nhưng anh vẫn băn khoăn.
“Chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để giữ gìn bản sắc của người Tày tại nơi ở mới. Tuy nhà sẽ được xây nhà bằng bê tông, nhưng vẫn sẽ xây theo kiến trúc nhà sàn đặc trưng của người Tày. Đồi sim cũng chỉ cách nơi ở cũ 2 km, nên có thể tiếp tục về canh tác lúa nước sau khi ruộng đồng được phục hồi mà không phải đi quá xa”, ông Hoàng Văn Diệp, trưởng thôn Làng Nủ nói.
Còn về việc làm, ông Diệp cho biết, thôn sẽ cố gắng tạo điều kiện cho những người trong độ tuổi lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất, xa hơn nữa là đi xuất khẩu lao động. Chặng đường này sẽ rất dài, bởi người Làng Nủ trước đây chỉ quen làm ruộng, chăn nuôi. Chỉ riêng công tác đào tạo nghề cũng sẽ tốn khá nhiều thời gian và nguồn lực.
Dù nỗi đau chồng chất, nhưng anh Hoàng Văn Thạo vẫn quyết tâm bước tiếp
Nhưng quan trọng nhất, ý chí của người dân Làng Nủ đang bùng lên trong nghịch cảnh. “Người mất thì cũng đã mất, nhà trôi thì cũng đã trôi rồi. Mình còn sống thì phải làm sao để không phụ lòng người mất. Phải tiếp tục lao động, không làm ruộng nữa thì làm cái khác”, anh Hoàng Văn Thạo nói.
“Chuyển đâu cũng được, miễn an toàn là chúng tôi đồng ý. Quan trọng là có một nơi để bắt đầu lại. Vẫn còn người làng với nhau ở đây thì khó khăn nào cũng vượt qua được”, anh Hoàng Văn Tin, người dân Làng Nủ nói.
Dù ở đâu thì họ vẫn luôn là người Làng Nủ. Với họ, Làng Nủ còn hơn cả một địa danh. Làng Nủ là một cộng đồng, là những con người đã sinh sống với nhau nhiều đời. Mối liên kết bền chặt của họ không dễ gì bị chặt đứt, dù tác nhân có là thảm họa thiên nhiên trăm năm có một. Chỉ cần có nhau, cộng đồng ấy sẽ hồi sinh và phát triển ở bất cứ nơi đâu. Còn người là còn làng…
Xem nhiềuHàng không - Du lịch
'Núi' rác khổng lồ đang 'tấn công' vịnh Hạ Long
Hàng không - Du lịch
'Biến dạng' bãi biển đẹp nhất Hà Tĩnh
Nhịp sống Thủ đô
Mưa tầm tã cả ngày, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ùn tắc nhiều giờ
Xã hội
Thêm đợt mưa lớn tại Thừa Thiên-Huế
Thế giới
Đăng thảo luận