Mang câu chuyện lịch sử, chất liệu dân gian vào các sản phẩm âm nhạc đang trở thành xu hướng tại Việt Nam với những hiệu ứng tích cực

Album "Hồn Việt" của nhạc sĩ Hoài An vừa ra mắt gồm những tác phẩm lấy chất liệu từ những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết, cổ tích, như "Công ơn Hùng Vương", "Bánh chưng bánh giầy", "Sơn Tinh, Thủy Tinh", "Truyền thuyết Cổ Loa", "Tiếng trống Mê Linh", "Hào khí Thăng Long"... "Hồn Việt" còn hòa trộn khéo léo giữa âm sắc hiện đại với chất hoài cổ của một số nhạc cụ truyền thống như: đàn tranh, đàn nhị.

"Đường hẹp" vẫn đi

Giới chuyên môn thừa nhận việc dùng chất liệu lịch sử, truyền thống để viết nhạc là không dễ. "Đó là con đường hẹp, khó đi" - nhạc sĩ Hoài An nhận định.

Việc đầu tư cho các ca khúc về lịch sử rất tốn công sức vì phải nghiên cứu tư liệu, viết lời sao cho phù hợp rồi làm nhạc, dàn dựng, phát hành... "Có ca khúc nếu muốn lột tả được các chi tiết nội dung thì phải dùng một số câu từ trúc trắc, khó hát. Vì vậy, việc giữ ca từ sao cho đúng ý mà giai điệu vẫn phải hấp dẫn, dễ hát thực sự là một thử thách" - nhạc sĩ Hoài An nhận xét.