Nguyễn Tri Phương là nhân danh nói gọn từ 4 chữ "Dũng thả tri phương" - dũng mãnh mà vẫn biết phương pháp (tức có mưu lược, không "hữu dũng vô mưu") được vua Tự Đức chuẩn phê cho người họ Nguyễn, tên thật là Văn Chương

Ông sinh năm 1800 ở làng Đường Long (Chí Long), Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, trong một gia đình làm ruộng và thợ mộc nghèo, không nhiều chữ nghĩa và thành tích khoa cử nhưng biết tự rèn luyện khi lăn lộn trong thực tiễn đánh giặc, mở đất và giữ đất, phục vụ triều đình các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Nguyễn Tri Phương đã trở thành một quan chức trọng thần và đại thần, văn võ kiêm toàn của nhà và thời Nguyễn, trong và qua những thập kỷ đầy sóng gió, nhiễu nhương giữa thế kỷ XIX.

Việc xây dựng và bố phòng ở "Đại đồn Kỳ Hòa"

Khi người Pháp đến xâm lấn, tấn công Đà Nẵng (năm 1858) rồi Gia Định (1859 - 1860), Nguyễn Tri Phương là tướng lĩnh trụ cột của công cuộc kháng chiến giữ đất, đặc biệt là từ năm 1860, đã được phong làm "Gia Định quân thứ Tổng thống quân vụ đại thần" đứng đầu sự nghiệp phòng thủ - giữ đất Nam Kỳ, tập trung trước hết vào công cuộc xây dựng, đánh và giữ "Đại đồn Kỳ Hòa (Chí Hòa)" ở Gia Định.

 Những người giữ đất: Danh tướng Nguyễn Tri Phương và trận Kỳ Hòa 第1张 Những người giữ đất: Danh tướng Nguyễn Tri Phương và trận Kỳ Hòa 第2张

Bia ghi danh và đền thờ danh tướng Nguyễn Tri Phương tại TP Biên Hòa (Đồng Nai).Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Tháng 8-1860, Nguyễn Tri Phương bắt đầu đi từ Huế vào Gia Định. Lúc này, người Pháp, sau trận đánh phá Gia Định lần thứ nhất (tháng 2-1859), cũng bắt đầu tập hợp lại và thêm lực lượng, dồn về Gia Định lần thứ hai.

Đối phó với lực lượng này, ngày càng đông mạnh và nguy hiểm, ngay khi mới tới Gia Định, Nguyễn Tri Phương đã ra sức huy động binh lực và đã có được dưới cờ một con số đông đúc tới 3 vạn người. Sau khi tính toán và lập thế trận, ông quyết định chia lực lượng của mình ra làm ba: Đại quân đóng ở Gia Định, hai cánh quân khác đóng ở Tân An và Biên Hòa, dàn thành một trận tuyến hình người dang hai tay ra hai bên tả và hữu, ngăn cản giặc từ Gia Định, tiến sâu vào đất Nam Kỳ.

Ở trung tâm trận tuyến và chiến trường Gia Định, vì tòa thành Gia Định đã bị người Pháp phá và chiếm từ năm trước, nên Nguyễn Tri Phương quyết định chọn đất Phú Thọ ở phía Tây Nam thành Gia Định, gấp rút xây dựng một công trình kiến trúc quân sự khổng lồ, làm căn cứ chính yếu để ngăn giặc và đánh giặc.

Đó là đại đồn Kỳ Hòa, cũng được gọi tên khác nữa là: Chí Hòa.

Công trình thành lũy này có chiều dài lên tới 3.000 m và chiều rộng (chiều sâu) là 1.000 m. Khu trung tâm là một tòa thành hình hộp, gồm 5 ngăn thông nhau, tiện cho việc phòng giữ liên hoàn (mất ngăn này thì rút sang ngăn kia). Hai tầng lũy và chiến hào kiên cố, giăng dài từ khu thành trung tâm này, sang tới một đầu là gò chùa Cây Mai và đầu bên kia là đồn Bình Hòa, hình thành thế trận - một lần nữa - tựa như người giang hai tay ra hai bên tả hữu mà ngăn chặn địch thủ.

Vách thành xây bằng đá ong, ốp đất sét, dày 2 m, cao 3,5 m, trổ đầy những lỗ châu mai và đắp đầy những ụ bắn. Mé ngoài vách thành, đào hào sâu yểm trợ, phía trước cắm chông trà và rào tre dày đặc, lại đào thêm nhiều bẫy hố, hình chữ "Phẩm" (xếp 3 hố thành một bẫy hình tam giác).

Ở mé sau tòa Đại đồn này còn xây đắp thêm một đồn nữa, gọi là Thuận Kiều, dùng làm kho chứa quân lương, quân khí, đồng thời chặn con đường đi Hóc Môn, Tây Ninh.

 Những người giữ đất: Danh tướng Nguyễn Tri Phương và trận Kỳ Hòa 第3张

Tên của danh tướng Nguyễn Tri Phương được sử dụng để đặt tên cho một con đường rất đẹp ở TP HCM.Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Lực lượng đóng giữ Đại đồn đông tới 20.000 quân, cộng thêm 10.000 dân dũng từ các miền kéo tới hỗ trợ. Có 150 khẩu đại bác cũng được chuyển vận tới, trang bị cho Đại đồn. Ngoài ra, còn 10 thớt voi trận, mỗi con mang trên lưng một, hai khẩu pháo nữa.

Đại đồn Kỳ Hòa là công trình thành lũy lớn nhất cả nước thời bấy giờ. Xây đắp trong vòng nửa năm, từ tháng 8-1860 đến tháng 2-1861 thì xong. Và ngay trong quá trình hình thành, đã được thử thách bằng và qua những trận đánh nhỏ, thắng lợi, như: Ngày 18-10-1860, đánh lui một cánh quân định đi tàu ngược rạch Thị Nghè đến tấn công, diệt được 1 sĩ quan và 5 lính. Ngày 1-12-1860, đánh lui một cánh bộ binh nữa, đến phá thành, giết được đến 132 quân địch…

Diễn biến của trận đánh

Ngày 6-2-1861, Phó Đô đốc J.Charner - Tư lệnh toàn bộ lực lượng Hải quân Viễn Đông của Pháp, được cử làm Tư lệnh Đặc mệnh toàn quyền tại Nam Kỳ nước Việt.

Ngày 7-2-1861, Charner dẫn lực lượng đến Gia Định, gồm 68 tàu chiến (55 tàu hơi nước, 13 tàu buồm) và nhiều tàu công binh, 474 khẩu đại bác, 80 tàu hàng, một binh đoàn thủy quân lục chiến gồm 3.500 quân, 12 đại đội thủy thủ, 1,5 đại đội pháo thủ, một số lính châu Phi, 600 phu người Quảng Đông. Cộng với lực lượng này, còn có nhiều lính Pháp, cả lính Tây Ban Nha và một đội kỵ binh nữa, đồn trú từ trước ở Gia Định - hình thành một binh lực lớn chưa từng thấy ở nước Việt lúc bấy giờ.

Ngày 23-2-1861, Charner cho tập kết toàn bộ lực lượng ở Chợ Lớn, gần chùa Cây Mai và quyết định: ngày 24-2-1861 tấn công Đại đồn Kỳ Hòa.

Mờ sáng ngày 24-2-1861, sau những loạt đại bác bắn ào ạt vào toàn Đại đồn, 3.000 quân địch gồm cả kỵ binh xông lên đánh phá mạn bên phải (tức phía chùa Cây Mai) của Đại đồn. Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân sĩ đánh trả quyết liệt, thả cả voi ra cận chiến, nhưng chỉ tiêu hao được một số ít quân địch. Trận này, tuy có làm bị thương được đại tướng Vassoigne (người Pháp), đại tá Guttierez (người Tây Ban Nha) nhưng lực lượng của Nguyễn Tri Phương cũng bị đại bác địch gây nhiều thương vong lớn, kể cả voi trận.

Đến trưa ngày 24-2 thì địch đã chiếm được mặt trước Đại đồn và 3 giờ chiều thì vòng qua phía sau Đại đồn, chiếm đóng được một phần thành lũy, rồi đóng quân nghỉ đêm ở đấy. Quân ta có tổ chức tập kích nhưng chỉ quấy rối mà không đánh tan được chúng.

6 giờ sáng ngày 25-2-1861, địch tiếp tục đánh chiếm Đại đồn. Pháo binh nã đạn như mưa và quân lính thì chia 3 mũi, nhằm vào ngăn cuối trong số 5 hộp thành - là nơi đặt chỉ huy sở của Nguyễn Tri Phương - mà đánh rát, buộc quân ta phải bỏ thành, rút ra ngoài, theo hướng Tây Bắc, về giữ đồn Thuận Kiều.

Ngày 27 và 28-2-1861, địch huy động kỵ binh và bộ binh đến tấn công Thuận Kiều, gặp quân ta đánh trả kịch liệt, bắn bị thương đại tá Crouzat, phải rút lui.

Ngày 29-2-1861, địch huy động đại binh, chia làm 2 mũi, tấn công dứt điểm Thuận Kiều, khiến quân ta phải bỏ đồn, rút ra đóng ở chợ Tân Phú, rồi ngay trong đêm kéo tàn binh về cố thủ ở Biên Hòa.

Đại đồn Kỳ Hòa coi như thất thủ vào ngày ấy. 150 khẩu đại bác và 2.000 súng tay, cùng kho quân lương lớn, bị mất vào tay giặc. Các tướng: Tôn Thất Trĩ, Nguyễn Duy (em trai Nguyễn Tri Phương)… tử trận. Bản thân chủ tướng Nguyễn Tri Phương cũng trúng đạn, bị thương.

Biểu tượng chỉ huy chiến trận

Hai chục năm trước trận Kỳ Hòa, danh tướng Nguyễn Tri Phương đã "vào" được trong sử chính thống triều Nguyễn - sách "Đại Nam thực lục" - bằng và qua lời khen của vua Thiệu Trị: "Nguyễn Tri Phương đối trận đánh nhau với giặc, đạn rơi xuống như mưa. Tỳ tướng bẩm xin bỏ lọng đi để cho địch khỏi biết. Nguyễn Tri Phương quát lớn, sai giương thêm 2 lọng nữa. Từ đấy, khí thế quân sĩ hăng hái lên gấp trăm lần, thu được thành công. Ví phỏng người nhút nhát đương vào việc ấy, liệu có khỏi mất tinh thần không?". 

12 năm sau trận Kỳ Hòa, trong trận đánh bị thương vong khi giữ thành Hà Nội năm 1873, nhiều sử liệu cho biết: Nguyễn Tri Phương cũng lại cho giương nhiều lọng lên hơn nữa, ở vị trí chỉ huy chiến đấu của mình.

Đấy là cách chỉ huy đánh giặc của một danh tướng!