Thế vận hội Olympic Paris 2024 đã khép lại, Paralympic đang chuẩn bị mở ra.
Nhận định về xu hướng phát triển của thị trường thể thao toàn cầu, Tạp chí Le nouvel Economiste của Pháp cho rằng cách thức phát sóng và xem thể thao hiện nay đã mở ra một thị trường toàn cầu sinh lợi cho các giải đấu đủ loại, với các quy tắc mới của cuộc chơi.
Từ thị trường trong nước đến thị trường toàn cầu
Trừ Thế vận hội Olympic và FIFA World Cup đều quy tụ khán giả trên toàn cầu, nhiều tổ chức thể thao sinh lợi nhất thế giới cho đến nay vẫn chống lại toàn cầu hóa. Liên đoàn bóng đá quốc gia Mỹ (NFL) tạo ra 98% doanh thu từ bản quyền phát sóng tại nước này.
Giải đấu cricket ngoại hạng Ấn Độ, có bản quyền truyền thông vượt xa bản quyền truyền thông của Thế vận hội Olympic hàng năm, tạo ra 96% doanh thu của nước chủ nhà. Chỉ có giải Ngoại hạng Anh là kiếm được nhiều tiền ở nước ngoài hơn ở quê nhà.
Nhưng giờ đây, với sự phát triển của công nghệ truyền thông, toàn cầu hóa cuối cùng đã có chỗ đứng trong ngành thể thao. Công nghệ đang thay đổi cách phát sóng thể thao và cách mà người hâm mộ thưởng thức chúng, mang đến cho các giải đấu cơ hội vươn tầm quốc tế. Điều này thể hiện một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp - hàng tỷ đôla đang chờ đợi những ai chinh phục thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, còn có một cơ hội thậm chí còn lớn hơn cho khán giả, khi những chương trình vốn đã làm hài lòng người hâm mộ ở một quốc gia, lại bắt đầu gây hứng thú cho những người hâm mộ ở quốc gia khác.
Cuộc cách mạng nguồn cung
So với các ngành giải trí khác, thể thao có thể đi sau, xét về sản phẩm xuất khẩu cũng như quy mô tiềm năng. Kể từ đầu thế kỷ này, Hollywood đã kiếm được hơn một nửa doanh thu từ nước ngoài.
Các nghệ sỹ âm nhạc Mỹ phụ thuộc vào người nghe nước ngoài đối với gần 1/3 số lượt phát trực tuyến và phần lớn doanh thu bán vé hòa nhạc của họ (như Taylor Swift, người đang lưu diễn ở châu Âu, có thể chứng minh).
Đăng thảo luận