Mất 600 ha đất mỗi năm do sạt lở
Thời gian gần đây, các tỉnh ở ĐBSCL liên tục thông báo về tình trạng sạt lở, sụt lún diễn ra bất thường ở khu vực, ông đánh giá ra sao về tình trạng này?
Trước đây, khi kinh tế xã hội chưa phát triển, sạt lở chỉ ăn vào đất sản xuất nông nghiệp, còn bây giờ ảnh hưởng đến nhà cửa và tài sản của người dân. Hai mươi năm trước hầu như sạt lở ở khu vực ĐBSCL không gây mất đất bởi bên lở và bên bồi cơ bản bằng nhau. Nhưng hiện mỗi năm chúng ta mất khoảng 600 ha đất chủ yếu do lượng phù sa từ sông Mê Kông đổ về giảm quá mạnh nên chỉ có sạt lở mà không có bồi.
Đến thời điểm này, chưa có dự án đo đạc cụ thể nào nhưng ước tính lượng phù sa về ĐBSCL đã giảm khoảng 50% so với 20 năm trước, và dự báo đến năm 2050 giảm khoảng 70%. Khi các thủy điện ở thượng nguồn được xây đầy đủ, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn 5% và xem như mất gần hết. Lượng phù sa về càng ít, dòng chảy càng mạnh dẫn đến sạt lở cũng mạnh hơn.
Tình trạng sạt lở, sụt lún ở ĐBSCL ngày càng phức tạp, bất thường.
Đặc biệt, hiện nay đã bắt đầu phát sinh một hiện tượng mới. Đó là sạt lở không chỉ xảy ra vào mùa lũ mà còn xuất hiện vào mùa khô hạn. Điều này xuất phát từ việc một số vùng tuy không có nước ngọt nhưng vẫn sản xuất lúa; dẫn tới mực nước ngầm tụt đáy gây ra sạt lở. Tình trạng này nguy hiểm không khác gì sạt lở vào mùa lũ. Điển hình, ở Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, thỉnh thoảng không có mưa nhưng lại có mấy km đường trôi xuống sông.
Ngoài việc do lượng phù sa về ĐBSCL ngày càng ít, nguyên nhân sạt lở phải chăng còn ảnh hưởng từ tình trạng khai thác cát quá mức để phục vụ các công trình xây dựng khu vực này, thưa ông?
Hiện quy luật dòng chảy các sông ở ĐBSCL đang thay đổi. Thông thường phải mất cả trăm năm mới ra quy luật dòng chảy ổn định, bởi vấn đề này chịu tác động của các yếu tố ở thượng nguồn, kèm theo mưa, nước, gió... Do đó, có những nơi chúng ta phải dùng mọi biện pháp để ngăn sạt lở, nhưng có những nơi vẫn phải để cho sạt lở xảy ra vì không thể cưỡng được.
Dòng chảy vẫn thế, nhưng do đáy sông bị bào mòn, tụt xuống dẫn tới nguy cơ xảy ra sạt lở cao hơn. Vấn đề này liên quan đến lượng phù sa suy giảm và ảnh hưởng từ hoạt động khai thác cát quá mức.
Đặc biệt, sạt lở xảy ra còn do các hoạt động kinh tế trên sông diễn ra ngày càng nhiều hơn. Không ít khu vực ở ĐBSCL hiện sạt lở là do phương tiện vận tải thủy. Trước đây chỉ thuyền chèo tay, sóng vỗ ít, nhưng giờ toàn máy cỡ lớn, sóng đánh không khác gì cấp 7 cấp 8 gây ảnh hưởng đến hai bên bờ…
Ngập lụt ở ĐBSCL còn nguy hiểm hơn
Để ứng phó với tình trạng sụt lún, sạt lở đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, cùng với các địa phương và bộ, ngành khác, Bộ NN&PTNT đã chuẩn bị những giải pháp gì?
Đầu năm nay, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng đề án chống chịu biến đổi khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL, giải quyết những vấn đề căn cơ của ĐBSCL, trong đó gồm: Sạt lở, sụt lún, xâm ngập mặn, lũ lụt và thiếu nước sinh hoạt. 5 vấn đề này đều liên quan mật thiết với nhau.
Theo đánh giá, hiện sạt lở ở ĐBSCL nguy cơ chưa cao bằng sụt lún, và ngập lụt. Các đô thị ở ĐBSCL sắp tới ngập lụt mới ghê gớm do đất khu vực này đang bị sụt xuống trong khi triều ngày càng dâng cao. Do đó, đề án sẽ bàn đến những giải pháp mang tính tổng thể và có tầm nhìn lâu dài đến năm 2050 và năm 2100.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, cần giải pháp tổng thể, toàn diện và lâu dài để giải quyết những vấn đề căn cơ ở ĐBSCL.
Hiện, Bộ NN&PTNT đã lấy ý kiến các địa phương và bắt đầu viết dự thảo lần thứ 1. Sau đó dự thảo sẽ tiếp tục được chỉnh sửa và lấy ý kiến địa phương, chuyên gia song song với các bộ, ngành. Dự kiến bộ sẽ phải trình Chính phủ vào cuối năm nay.
Đây là đề án giải quyết các vấn đề rất lớn của ĐBSCL nên cần sự chung tay, vào cuộc đồng bộ của tất cả các đơn vị. Ví dụ, vấn đề sụt lún, sạt lở đất liên quan Bộ TNMT; ngập lụt đô thị do Bộ Xây dựng phụ trách; nước sinh hoạt bà con nông dân do Bộ NN&PTNT.
Trước đây, Chính phủ từng ban hành đề án về chống sạt lở, bờ sông đến năm 2030. Vậy, đề án này có điểm gì khác so với trước, thưa ông?
Đây được xem là một chủ trương lớn của Trung ương trong việc giải quyết những vấn đề nan giải ở ĐBSCL hiện nay; tiếp theo Nghị quyết “thuận thiên” (120) về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Không chỉ sạt lở, ĐBSCL còn đối diện với nguy cơ ngập lụt được đánh nguy hiểm hơn.
Chẳng hạn, với vấn đề xâm ngập mặn do nước biển dâng, trước nay chúng ta mới chỉ có những công trình ngăn mặn bên trong, nhưng sắp tới sẽ nghiên cứu xây dựng những công trình, hệ thống cống bao quanh ở các cửa sông, cửa biển. Khi nước biển dâng chúng ta có thể đóng cống lại để hạn chế xâm ngập mặn, đảm bảo sự phát triển ổn định.
Hay vấn đề hợp tác với các nước thượng nguồn sông Mê Kông, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác qua các cơ chế đa phương nhưng phải đi vào thực chất và hiệu quả.
Với cảnh báo sạt lở, chúng ta đã có bản đồ cảnh báo ở các khúc sông nhưng mỗi chấm đỏ đều có cả xã, do đó sắp tới sẽ phải cụ thể hóa từng địa điểm rõ hơn để có phương án xử lý. Tuy nhiên, để giải quyết lâu dài tình trạng này và hạn chế những thiệt hại về nhà, tài sản cho người dân, cần phải đi kèm các giải pháp như bố trí khu tái định cư cho người dân. Lúc này các địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt và dứt khoát.
Xin cảm ơn Thứ trưởng !
Cần hàng nghìn tỷ đồng khắc phục sạt lở, nước biển dâng ở ĐBSCL 01/07/2024 Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cấp bách xử lý sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông ở ĐBSCL 13/08/2023 Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, khảo sát tình hình sạt lở tại ĐBSCL 12/08/2023Thế giới
‘Nhóc’ hà mã lùn Thái Lan bỗng dưng nổi tiếng khắp cõi mạng
Xã hội
Kon Tum tiếp nhận một cá thể trăn đất quý hiếm được người dân giao nộp
Khoa học
Người Scandinavia đã sử dụng thuyền làm bằng da động vật cách đây 5.000 năm?
Khoa học
'Siêu vi khuẩn' sẽ giết chết hàng chục triệu người vào năm 2050
Khoa học
Đăng thảo luận