Trước tình hình mưa lũ trên diện rộng, tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện hỏa tốc ứng phó ngập lụt, sạt lở đất, đặc biệt lưu ý tới các địa phương miền núi.
Nhiều đường, ngầm tràn ở các huyện miền núi Nghệ An bị ngập lụt, chia cắt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước được chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo - Ảnh: TÂM PHẠM
Trưa 23-9, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An cho hay do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, trên địa bàn tỉnh này từ ngày 17 đến 22-9 có mưa to, có nơi mưa rất to.
Đường phố ở TP Vinh ngập lụt trong mưa lớn kéo dài từ đêm tới sáng - Video: DOÃN HÒA
Tổng lượng mưa đo được tại một số trạm khí tượng, thủy văn phổ biến từ 200-500mm như Dừa 527mm, Con Cuông 457mm, TP Vinh 421mm, Quỳnh Lưu 411mm...
Đợt mưa lũ này tính đến nay đã làm 3 người chết và 1 người bị thương.
Trong đó, các nạn nhân tử vong là chị P.T.Th. (38 tuổi, ngụ xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn) khi chở hai con đi học về bị nước cuốn trôi, anh L.V.B. (23 tuổi, ngụ xã Nam Sơn, huyện Đô Lương) đi qua cầu tràn bị nước cuốn trôi và em N.T.P.Th. (13 tuổi, ngụ xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương) bị nước cuốn trôi khi đi học về.
Ném dây thừng cứu người phụ nữ bị lũ cuốn trôiĐỌC NGAY
Ông Bùi Văn Hiền - phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong, Nghệ An - cho biết do mưa lớn liên tiếp khiến địa bàn huyện Quế Phong xảy ra sạt lở núi, đất đá tràn xuống làm hư hỏng nhà cửa của một số hộ dân ở các xã Thông Thụ, Cắm Muộn.
Ngay trong chiều và tối 23-9, huyện Quế Phong phối hợp với các lực lượng quân đội, công an di dời khẩn cấp 26 hộ dân với 126 nhân khẩu ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm. Trong đó, xã Thông Thụ 16 hộ, Tri Lễ 5 hộ, Cắm Muộn 2 hộ, Hạnh Dịch 1 hộ, Quang Phong 2 hộ.
"Huyện đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các điểm sạt lở nhằm cảnh báo cho nhân dân cũng như sẵn sàng huy động lực lượng, có phương án di dời kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân", ông Hiền nói.
Ngoài huyện Quế Phong, tại các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Thanh Chương và TP Vinh cũng phải di dời hàng trăm hộ dân khỏi các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt... tới nhà văn hóa, trường học ở tạm.
Một nhà dân ở xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, Nghệ An bị đổ sập do sạt lở đất đá - Ảnh: Bạn đọc cung cấp
Theo thống kê, toàn tỉnh Nghệ An có 9 nhà bị sập hoàn toàn và gần 100 căn nhà bị hư hỏng do sạt lở đất đá tràn vào.
Rạng sáng 23-9, một cây gỗ lớn từ độ cao gần 10m trên vách đá tại khu vực eo Vực Bồng, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông bật gốc đổ xuống mặt đường cùng nhiều tảng đá lớn. Rất may thời điểm này chưa có người và phương tiện tham gia giao thông nên không có thiệt hại về người và tài sản.
Trước đó, cũng tại địa điểm này nhiều tảng đá và cành cây to đổ xuống đường đè trúng một người chạy xe máy trên đường bị thương.
Khu vực sạt lở nằm trên tuyến quốc lộ 7 nối các huyện đồng bằng lên các huyện miền núi Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn sang cửa khẩu Nậm Cắn.
Hạt Quản lý đường bộ Con Cuông phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức phân luồng giao thông để xử lý cắt bỏ và thu dọn cành cây to từ 13h-17h chiều 23-9 nhằm giảm tải lượng cây to có thể gãy đổ trên núi đá và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân phường Bến Thủy, TP Vinh di dời tài sản tới nơi an toàn do ngập lụt - Ảnh: Tuyên giáo TP Vinh
Trong sáng 23-9, ông Phan Đức Đồng - bí thư Thành ủy Vinh - cùng các lãnh đạo TP Vinh đã đi kiểm tra tình trạng tiêu thoát nước tại trạm bơm tiêu phía Nam, trạm bơm tiêu Bến Thủy, trạm bơm tiêu thoát nước sau chợ Vinh ra sông Vinh và kiểm tra tình hình ngập lụt tại khu vực chợ Vinh…
Ông Đồng yêu cầu các địa phương, đơn vị cần tiếp tục theo dõi sát tình hình mưa lũ; chỉ đạo các lực lượng trực 24/24h, nhất là các vị trí xung yếu, các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở… sẵn sàng phương tiện, lực lượng ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Các lực lượng chức năng tiếp tục hỗ trợ nhân dân các khu vực bị ngập lụt; đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông, đặc biệt chú ý hướng dẫn, phân luồng, cảnh báo để người dân tham gia giao thông an toàn.
Tới 12h trưa 23-9, mưa tại TP Vinh đang giảm dần và nước trên các tuyến đường ngập lụt bắt đầu rút.
Lực lượng chức năng và bộ đội biên phòng túc trực các cầu tràn tại bản Kèm Đôn, bản Cắm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) giúp dân qua tràn đảm bảo an toàn khi nước rút - Ảnh: TÂM PHẠM
Một chiếc ô tô chết máy nằm trên đường 72m, TP Vinh - Ảnh: DOÃN HÒA
Tình hình mưa lũ tại Nghệ An đang có diễn biến phức tạp, giao thông chia cắt các tuyến đường ở khu vực thấp trũng - Ảnh: DOÃN HÒA
Các đơn vị tập trung dọn dẹp cây lớn và đất đá đổ tràn xuống quốc lộ 7 qua huyện Con Cuông, Nghệ An - Ảnh: BÁ HẬU
Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ lưu ý các xã thuộc các huyện miền núi: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Nghĩa Đàn… theo dõi tình hình diễn biến mưa lũ để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Mưa ngập, chập điện hai trại gà chết hơn 10.500 con
Trại gà của một gia đình ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An chết hàng ngàn con vì nước ngập - Ảnh: CTV
Sáng 23-9, trại gà của anh Nguyễn Ngọc Huy - xóm Hòa Hợp, xã Nghi Ân, TP Vinh - bị nước tràn vào. Trong lúc đang tập trung di dời đàn gà đến chỗ cao ráo thì chập điện. Do chuồng trại khép kín, chỉ 10 phút sau gà chết ngạt và chết hàng loạt.
Ước tính có 9.000 con gà bị chết, trọng lượng mỗi con ước khoảng 2,2-2,5kg. Tổng thiệt hại khoảng 25 tấn gà, tương đương khoảng 1,5 tỉ đồng.
Hiện chính quyền địa phương cũng như các tổ chức đoàn thể đang tập trung nhân lực để làm thịt gà, kêu gọi bà con giải cứu gà cho gia đình.
Ông Trần Văn Quang - chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu - cho biết trên địa bàn xã hiện có một số trại gà bị ngập, nhưng nặng nhất là trại gà của gia đình ông Nguyễn Văn Tâm, hiện đang nuôi 1.500 con gà thịt đã bị chết do ngập nước.
Đăng thảo luận