7-Eleven từ chối đề nghị mua lại của Circle K vì mức giá quá thấp
(Dân trí) - Công ty mẹ của chuỗi 7-Eleven, đã từ chối đề xuất mua lại từ đối thủ Couche-Tard, chủ sở hữu chuỗi Circle K, với lý do giá chào mua quá thấp.
Chuỗi siêu thị 7-Eleven đã từ chối lời đề nghị mua lại trị giá 39 tỷ USD của Alimentation Couche-Tard (ACT, chủ sở hữu thương hiệu Circle K) với lý do mức giá này không xứng đáng với giá trị mà thương hiệu đem lại.
Cụ thể, 7-Eleven cho biết mức giá mà ACT đưa ra đã đánh giá quá thấp giá trị hoạt động của công ty cũng như tiềm năng của hãng.
Ngoài ra, hồ sơ của ACT cũng chưa xem xét đến những yếu tố liên quan đến các quy định luật pháp có thể ảnh hưởng đến thương vụ, ví dụ như luật chống độc quyền tại Mỹ có thể cản trở thỏa thuận này.
Phía công ty cũng xác nhận ACT - công ty mẹ của chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K - muốn mua toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành của Seven & I với giá 14,86 USD một đơn vị. Reuters tính toán rằng thương vụ này sẽ có giá trị là 38,5 tỷ USD.
Đề nghị mua lại của ACT được đưa ra trong bối cảnh 7-Eleven đang phải đối mặt áp lực cực kỳ lớn từ cổ đông nước ngoài trong những năm gần đây nhằm thay đổi văn hóa Nhật Bản trong doanh nghiệp. Tuy nhiên chính phủ Nhật Bản lại không muốn bán "quốc bảo" này đi vì lo sợ làm mất bản sắc doanh nghiệp. Những cổ đông trong nước cũng không muốn để 7-Eleven lọt vào tay người nước ngoài.
Trong suốt 20 năm, các nhà đầu tư nước ngoài và những doanh nghiệp như ACT đã cố gắng mua lại 7-Eleven nhưng chưa thành công.
Một cửa hàng 7-Eleven tại Nhật Bản (Ảnh: Bloomberg).
Ngay sau khi tin tức về thương vụ M&A được đưa ra tháng trước, cổ phiếu Seven & I đã tăng 20%. Điều này giúp mức vốn hóa của doanh nghiệp này tăng lên trên 38 tỷ USD.
Theo hãng dữ liệu tài chính Dealogic, nếu được thực hiện, đây sẽ là thương vụ M&A lớn nhất của một doanh nghiệp nước ngoài với công ty Nhật Bản. Đây cũng sẽ là thương vụ thâu tóm xuyên biên giới lớn nhất toàn cầu năm nay.
ACT hiện có khoảng 17.000 cửa hàng tại 30 quốc gia, với các thương hiệu Couche-Tard và Circle K. Công ty này từng tiếp cận Seven & I và đặt vấn đề mua lại năm 2020.
Nếu sáp nhập thành công, doanh nghiệp mới sẽ kiểm soát gần 20% thị phần cửa hàng tiện lợi tại Mỹ. Hiện tại, Seven & I có 85.000 cửa hàng tiện lợi tại 20 quốc gia. Họ muốn mở rộng con số này lên 100.000 tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đến năm 2030. Năm 2021, Seven & I mua Speedway, công ty điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi tại các trạm xăng ở Mỹ với giá 21 tỷ USD.
Theo WSJ, Reuters
Đăng thảo luận