Bác sĩ ở TPHCM chạy ECMO "xuyên quốc gia" cho bé gái nguy kịch sau ghép tim
(Dân trí) - Trong đêm, ekip bác sĩ tại TPHCM đã thiết lập thành công hệ thống ECMO di động, giúp bé gái người Úc nguy kịch khi đang dùng thuốc chống thải ghép tim chuyển viện về Úc an toàn.
Tối 7/9, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, các bác sĩ nơi đây vừa sử dụng kỹ thuật ECMO cấp cứu một bệnh nhi người nước ngoài nguy kịch sau một thời gian ghép tim.
Theo đó, bệnh nhi là bé gái tên C.L.G. (15 tuổi, quốc tịch Úc) đã ghép tim vì bệnh cơ tim giãn nở tại quê hương vào 1,5 năm trước, đang dùng thuốc chống thải ghép.
Khi đang ở Việt Nam du lịch, em xuất hiện tình trạng nôn ói nhiều, đau bụng, mệt lả, nhập viện trong tình trạng sốc sâu, toan chuyển hóa nặng và tổn thương nhiều cơ quan (chức năng co bóp tim kém, suy gan, suy thận cấp, hoàn toàn không có nước tiểu).
Bé gái đột ngột nguy kịch khi đang dùng thuốc chống thải ghép tim (Ảnh: BV).
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thái Sơn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh Viện Nhi đồng 2 cho biết, thời điểm vào viện ngày 4/9, bệnh nhi được chẩn đoán sốc tim, viêm cơ tim cấp, theo dõi thải ghép cấp, tổn thương đa cơ quan.
Bé gái được xử trí cấp cứu với thở máy, an thần, truyền dịch, vận mạch và kháng sinh. Sau khi thống nhất hội chẩn cùng các chuyên gia Tim mạch. Hồi sức, bệnh nhi được chuyển sang khoa ICU.
Ekip điều trị quyết định sử dụng kỹ thuật ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể) để hỗ trợ chức năng tim, đồng thời phối hợp lọc máu liên tục (CRRT), thay huyết tương ngay trong đêm, vì các cơ quan gan, thận của bé đang bị suy nặng do thiếu tưới máu.
Ekip điều trị gồm nhiều bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã liên tục hội chẩn với nhóm chuyên gia từ Bệnh viện Nhi Hoàng gia Melbourne (Úc, nơi bệnh nhân được theo dõi và ghép tim), để chỉ định phối hợp miễn dịch điều trị thải ghép cấp.
Ekip bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thiết lập hệ thống ECMO di động cho bệnh nhân (Ảnh: BV).
Vì đây là trường hợp khó, việc phân biệt giữa tình trạng viêm cơ tim tối cấp và thải ghép tim cấp cần thêm nhiều xét nghiệm chuyên sâu, bệnh nhân cần chuyển đến trung tâm chuyên ghép tim để theo dõi.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi ổn định chức năng các cơ quan, đủ điều kiện để chuyển viện bằng chuyên cơ y tế. Ekip ECMO của Bệnh viện Nhi đồng 2 một lần nữa thiết lập hệ thống ECMO di động ngay trong đêm, nhằm hỗ trợ đội vận chuyển bệnh nhi đến từ Singapore (EMA Global).
Lúc 21h ngày 7/9, ekip của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thiết lập thành công hệ thống ECMO di động. Bé gái rời bệnh viện ở TPHCM lúc 3h30 ngày 8/9, sau đó về đến bệnh viện tại Úc lúc 16h30 cùng ngày.
Bệnh nhi được chuyển viện xuyên quốc gia từ Việt Nam về Úc an toàn (Ảnh: BV).
Theo bác sĩ, để thực hiện các kỹ thuật ECMO, lọc máu liên tục và thay huyết tương đòi hỏi nhân viên y tế phải được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Trong khi đó, vận chuyển bệnh nhân chạy ECMO cần sự phối hợp chặt chẽ, chuyên nghiệp của cả bệnh viện đi - đến và đội vận chuyển.
Trước trường hợp nêu trên, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã nhiều lần sử dụng kỹ thuật ECMO cấp cứu các trường hợp nguy kịch. Đây cũng là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam sử dụng kỹ thuật ECMO cứu sống bệnh nhi bệnh tay chân miệng.
Đăng thảo luận