Nếu bán thì tiền lời kém lãi tiết kiệm, mà không biết khi nào mới bán được. Chị gái tôi là minh chứng cho việc đầu tư BĐS thất bại.

"Chị gái tôi bỏ một khoản tiền góp với em bên chồng mua hai miếng đất từ năm 2017. Đến giờ, nếu bán được thì số tiền thu về còn ít hơn lãi gửi tiết kiệm trong từng ấy năm, mà không biết đến khi nào mới bán được.

Nếu mua bất động sản bằng tiền đi vay thì giờ này xác định bay cả vốn rồi. Đây cũng là một trong những trường hợp đi mua bất động sản, tạm gọi là làm ăn thất bại.

Không phải ai cũng được thừa hưởng tài sản như tác giả để có vốn khởi nghiệp mua ôtô, xe tải ra làm ăn. Muốn có tiền mua bất động sản, họ cũng phải làm đủ mọi thứ rồi mới có vốn để kinh doanh. Họ đã nếm trải trường đời mới có khoản tiền như vậy, nên họ biết phải đầu tư thế nào. Không phải ai cũng được bọc tiền từ thừa kế như tác giả.

Vợ chồng tôi kinh doanh hàng nội thất từ năm 2000 đến nay. Trước khi về đây mua đất xây nhà rồi mở cửa hàng kinh doanh, khu vực này đã có vài cửa hàng nội thất. Sau vài năm, họ lần lượt đóng cửa, cho thuê mặt bằng. Một số sau đó bán nhà, đi nơi khác. Vợ chồng em vợ tôi cũng vậy, được ông bà giao cho cơ sở kinh doanh nhưng chỉ làm được vài năm rồi cũng đóng cửa, cho thuê mặt bằng.

Tôi kể câu chuyện như thế này: Những năm cuối thập niên 70 và đầu 80, ba tôi và hai người chú mỗi người sắm một cái lưới để lúc rảnh thì ra sông lưới cá về ăn. Cùng lưới trên đoạn sông đó, nhưng hầu như ba tôi chỉ bắt được vài con, trong khi hai người chú luôn bắt được rất nhiều.
Hãy làm tốt việc của mình, đừng lo chuyện của người khác. Nếu thấy ngon ăn thì xin mời nhảy vào".

Độc giả nickname Hung U60 bình luận như trên, kể về trường hợp mua đất nhưng lỗ để cho thấy rằng việc đầu tư bất động sản không hề dễ dàng. Bình luận này được viết sau bài Tám năm 'ngu muội' kinh doanh chứ không mua đất làm giàu. Bài viết nhận được nhiều bình luận của độc giả VnExpress.

"Tác giả nghĩ đầu tư bất động sản là dễ dàng, nhưng 10 người làm thì 8 người lỗ. Theo kinh nghiệm của tôi rất nhiều người sản xuất một loại hàng hóa nào đó mua nhà xưởng để phục vụ kinh doanh những năm 1997-1998.

Họ không hề có ý định kinh doanh đất đai, chẳng qua là do nhu cầu sản xuất cần mặt bằng. Cuối cùng, không biết họ giàu lên từ việc sản xuất hay là từ đất nhà xưởng mua trước đây.

Đầu tư đất đai phải có tư duy rất dài, mua để đó có khi cả chục năm sau mới có thành quả", độc giả Trọng tiếp tục câu chuyện với quan điểm rằng đầu tư bất động sản không dễ dàng như mọi người tưởng.

Độc giả nickname Bình Luận cũng nhấn mạnh rằng không phải ai mua đất cũng giàu:

"Ai mua đất cũng giàu thì giờ giá đã không dừng ở mức này rồi. Tất nhiên, họ lãi rất cao và gấp nhiều lần so với kinh doanh các mặt hàng khác, nhưng kèm theo đó là nuôi dưỡng một hệ thống cò mồi đông đảo để săn lùng cả chiều mua lẫn chiều bán.

Họ phải có mối quan hệ rộng rãi để công việc thuận tiện hơn, phải có số vốn dự trữ rất lớn và một tinh thần thép để không nao núng khi một hai năm chưa đẩy được hàng tồn mà vẫn tăng giá đều đều. Quan trọng hơn cả là họ cần rất nhiều may mắn để gặp thời cũng như gặp khách.

Nói chung, nghề này không phải ai cũng làm được, dù miếng bánh rất màu mỡ".

Đưa ra góc nhìn khác về vai trò của các chủ đầu tư chân chính trong việc quy hoạch và phát triển đô thị, độc giả Quang Huy nói:

"Tác giả đang đề cập đến một số ít giới đầu cơ làm giàu từ đất đai, gây nhiễu loạn thị trường thôi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận các chủ đầu tư chân chính đã góp phần quy hoạch bộ mặt đô thị ngày càng hiện đại và đẹp hơn.

Họ cũng tạo công ăn việc làm, mang lại nhiều lựa chọn về nhà ở hơn cho người dân, đóng thuế nhiều cho ngân sách, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển".

Độc giả huedqcova bổ sung và nhấn mạnh:

"Bất động sản cũng là một ngành sản xuất kinh doanh, nó ảnh hưởng đến rất nhiều ngành, người trong xã hội và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi việc có nhiều chủ đầu tư, hội nhóm, người đầu cơ kinh doanh thiếu đạo đức, làm méo mó ngành/thị trường bất động sản.

Nhưng mọi thứ đều không ngoài luật nhân - quả, rất nhiều người đã phải trả giá vì làm sai.

Việc đầu tư sản xuất ở một ngành nghề, lĩnh vực khác cũng giống như đầu tư xây dựng, tạo lập sản phẩm bất động sản. Cả hai đều mang lại lợi ích cho người đầu tư, tạo công ăn việc làm cho xã hội, tạo nhu cầu cho các ngành nghề khác (xi măng, thép, nội thất, ngoại thất...) và đóng thuế.

Cả hai đều tạo nền tảng, đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Người chủ sẽ nhận được những giá trị về đạo đức (nếu làm đúng), nhận thức (kinh nghiệm, trí tuệ) và kinh tế (nếu có lãi) mà những thành phần đầu cơ bất động sản hay bất kể ngành nghề nào khác không thể có được.

Có thể thấy sự bất công giữa việc đầu tư sản xuất và đầu cơ bất động sản, nhưng nhìn xa hơn, đó chỉ là một giai đoạn trong tiến trình lịch sử. Những gì tạo ra giá trị bền vững sẽ tự khắc được công nhận".

*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.

Hữu Nghị tổng hợp