Hai kỳ Olympic liên tiếp trắng tay là cái giá mà thể thao Việt Nam phải trả khi quá mải mê cho việc thống trị ở 'ao làng' SEA Games.
"Những rào cản rất thấp" là cụm từ đã được nhắc đến trong những phút cuối của một chương trình thể thao trên truyền hình mới đây, nói về câu chuyện thể thao Việt Nam sau thất bại tại Olympic Paris 2024.
Quả thực, với người hâm mộ Việt, chẳng vui vẻ gì khi chứng kiến một đoàn thể thao luôn giữ vị thể ổn định ở các kỳ SEA Games nhưng lại trượt dài ở Olympic với hai kỳ tham dự liên tiếp trắng tay. Nhưng nếu nhìn cái cách mà ngành thể thao đã làm trong thời gian qua, tôi cho rằng những kết quả này là hoàn toàn xứng đáng.
Chúng ta đã quá mải mê ở đấu trường khu vực, trong khi những nước như Thái Lan, Indonesia... chỉ coi đây là nơi trui rèn để chuẩn bị cho mục tiêu xa hơn ở đấu trường châu lục và thế giới mà thôi. Đây chính là "những rào cản rất thấp" nhưng cũng nghiêm trọng nhất, ngăn cản thể thao nước nhà vươn xa.
Để có thể chấm dứt được tình trạng này, theo tôi chúng ta có thể làm hai điều. Trước hết, ngành thể thao cần phải nhanh chóng đổi mới tư duy thể thao thành tích cao, giảm bớt sự tập trung cho SEA Games để hướng đến những mục tiêu cấp châu lục và thế giới.
Kể từ năm 2003, chúng ta cơ bản vẫn luôn giữ ổn định top 3 SEA Games, vậy tại sao chúng ta cứ phải dồn sức vào đấu trường ấy để làm gì? Thay vào đó, hãy cho các vận động viên trẻ thi đấu để cọ xát, còn lại hãy quan tâm đặc biệt cho những môn mà chúng ta có thể cạnh tranh từ cấp châu lục trở lên như điền kinh, bơi, cử tạ các hạng cân nhẹ, bắn súng... Các nước trong khu vực có nhiều huy chương ở Asiad và Olympic, đơn giản là vì họ biết hướng vào những môn thế mạnh.
>> 'Đầu tư điền kinh, bơi lội nhưng vẫn khó cạnh tranh Olympic'
Thứ hai, bản thân các liên đoàn thể thao cần chủ động hơn nữa trong việc kêu gọi vốn, kêu gọi tài trợ, xã hội hóa, đừng chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước vì sẽ không bao giờ là đủ. Các nước trong khu vực đã đẩy mạnh việc này , với vai trò rất lớn từ các liên đoàn thể thao. Có kêu gọi nhiều vốn thì mới có thể nâng cao điều kiện tập luyện, chế độ dinh dưỡng..., từ đó mới mong nâng cao trình độ cho vận động viên được.
Nói về yếu tố khách quan, nếu SEA Games muốn là nơi trui rèn, đào tạo thực sự chất lượng với các vận động viên khu vực, thì bản thân giải đấu này cần phải được nâng cao về chất lượng. Việc Liên đoàn thể thao Đông Nam Á trao toàn quyền tổ chức SEA Games cho một nước chủ nhà đã nảy sinh nhiều vấn đề khi chủ nhà có xu hướng cắt các môn, các nội dung ở Asiad và Olympic, thay bằng các môn thể thao đặc thù của nước mình để vơ vét huy chương.
Đây là một trong những lý do chính khiến thể thao Đông Nam Á khó vươn tầm, còn SEA Games cũng càng ngày càng mất giá. Chưa kể những câu chuyện như thiên vị, xử ép... càng làm xấu đi hình ảnh của giải đấu này.
Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao Việt Nam diễn ra chiều 21/12/2023, được báo giới ví như một "Hội nghị Diên Hồng" của thể thao nước nhà, đã nêu rõ những thực trạng thể thao Việt Nam như hai luận điểm tôi đã nêu ở trên. Tất nhiên, tám tháng từ ngày đó là quá ít cho một sự thay đổi lớn lao, toàn diện.
Hy vọng sau thất bại ở Olympic lần này, thể thao nước nhà sẽ thay đổi mạnh mẽ về tư duy, xóa bỏ "những rào cản rất thấp" để vươn cao, vươn xa. Để không còn những nỗi buồn, cùng sự tủi hờn như vừa qua. Và để quốc ca Việt Nam vang lên tự hào tại đấu trường châu lục và thế giới.
- Làm gì để cứu thể thao Việt Nam?
- Tham vọng thể thao Việt Nam sau thất bại tại Olympic 2020
- Thể thao Việt Nam thụt lùi sau thất bại ở Olympic 2020
- Chỉ tiêu thành tích SEA Games khiến Ánh Viên quanh quẩn 'ao làng'
- Ác mộng SEA Games
- Nước mắt mùa SEA Games
Đăng thảo luận