Bulgaria, Đài Loan bác bỏ liên quan đến máy nhắn tin phát nổ ở Li Băng
(Dân trí) - Giới chức trách Bulgaria và đảo Đài Loan ngày 20/9 phủ nhận liên quan chuỗi cung ứng cho hàng nghìn máy nhắn tin của Hezbollah bị phát nổ tại Li Băng.
Máy nhắn tin bị phá hủy sau loạt vụ nổ ở Li Băng hôm 18/9 (Ảnh: ABC News).
Loạt tấn công hôm 17 và 18/9 liên quan đến các máy nhắn tin cầm tay phát nổ do Hezbollah sử dụng đã khiến 37 người thiệt mạng và khoảng 3.000 người bị thương.
Các nguồn tin an ninh cho rằng, tình báo Israel đứng sau các vụ tấn công này, khiến căng thẳng giữa hai bên càng leo thang đáng lo ngại. Tel Aviv hiện chưa có bình luận gì về các vụ tấn công cũng như những cáo buộc nhằm vào họ.
Và thực tế là cho đến nay vẫn chưa ai biết rõ ràng về cách thức hoặc thời điểm các máy nhắn tin được vũ khí hóa và kích nổ từ xa.
Một số nguồn tin dẫn lời các quan chức Mỹ và nguồn tin an ninh cấp cao Li Băng nói rằng, những máy nhắn tin bị nổ có thể nằm trong lô hàng 5.000 chiếc được cho là sản xuất bởi công ty Gold Apollo có trụ sở tại Đài Loan. Khoảng 3.000 máy trong số đó là mẫu AR-924, ngoài ra còn có 3 mẫu khác.
Tuy nhiên, Gold Apollo tuyên bố không sản xuất các máy nhắn tin này mà đã cho phép một đối tác ở Hungary là công ty BAC sử dụng thương hiệu của họ để thiết kế, chế tạo những thiết bị này.
"Những sản phẩm đó không phải của Gold Apollo mà chỉ dán nhãn hiệu của chúng tôi", Hsu Ching-Kuang, nhà sáng lập Gold Apollo, cho biết. "Chúng tôi chỉ cấp quyền sử dụng thương hiệu và không tham gia quá trình sản xuất, thiết kế sản phẩm", Gold Apollo ra thông cáo.
Trong một tuyên bố mới nhất với các phóng viên, người đứng đầu cơ quan kinh tế Đài Loan Kuo Jyh-huei khẳng định rằng, các thành phần (chủ yếu) của các thiết bị phát nổ là IC (mạch tích hợp) và pin cấp thấp.
Khi được hỏi liệu các bộ phận trong máy nhắn tin phát nổ có được sản xuất tại Đài Loan hay không, ông Kuo Jyh-huei nói: "Tôi có thể chắc chắn rằng chúng không được sản xuất tại Đài Loan", đồng thời cho biết vụ việc đang được các cơ quan tư pháp điều tra.
Bulgaria cũng trở thành tâm điểm của các cuộc điều tra vào hôm 19/9 sau khi phương tiện truyền thông địa phương đưa tin rằng, công ty Norta Global Ltd có trụ sở tại Sofia bị nghi có liên quan đến việc bán máy nhắn tin.
Nhưng Cơ quan an ninh nhà nước của Bulgaria (DANS) ngày 20/9 cho biết, họ đã "xác định chắc chắn" rằng không có máy nhắn tin nào được sử dụng trong vụ tấn công ở Li Băng được nhập khẩu, xuất khẩu hoặc sản xuất tại Bulgaria.
Cơ quan trên cũng cho hay, cả Norta và chủ sở hữu người Na Uy của công ty đều không giao dịch, bán hoặc mua máy nhắn tin trong phạm vi quyền hạn của Bulgaria.
Theo Business Standard
Đăng thảo luận