Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an TP.HCM đã xác lập 2 chuyên án, khởi tố 17 bị can, giải cứu 52 nạn nhân của tội phạm mua bán trẻ em, đa phần trẻ em sơ sinh.
Trung tướng Lê Hồng Nam - giám đốc Công an TP.HCM (đứng) - phát biểu dẫn đề hội thảo - Ảnh: ĐAN THUẦN
Ngày 15-10, Công an TP.HCM tổ chức hội thảo Tính khả thi và thực tiễn thi hành chính sách đối với các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 8.
Trung tướng Lê Hồng Nam - giám đốc Công an TP.HCM, chủ trì hội thảo. Đồng chủ trì còn có giáo sư Nguyễn Thiện Nhân - nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Hà Phước Thắng - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Theo Trung tướng Lê Hồng Nam, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội có 2 dự án luật dự kiến được thông qua là "Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ", "Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)" và trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu.
Để trao đổi tầm quan trọng, tính khả thi của 2 dự án luật trên, cũng như cung cấp thông tin thực tiễn khi thi hành các chính sách liên quan đối với dự án Luật Dữ liệu, giám đốc Công an TP.HCM đề nghị các đại biểu thẳng thắn trao đổi, thảo luận, qua đó tạo sự thống nhất trong nhận thức, tạo sự đồng thuận, ủng hộ các dự án luật sẽ được thông qua.
Thượng tá Lê Duy Sâm - phó trưởng Phòng cảnh sát hình sự - nói về tình hình tội phạm mua bán người - Ảnh: ĐAN THUẦN
Có tình trạng mua trẻ em để trốn thi hành án
Khởi tố, bắt tạm giam người phụ nữ lẻn vào bệnh viện bắt cóc trẻ sơ sinh
Chặt đứt đường dây mua bán trẻ sơ sinh: Vạch trần thủ đoạn núp bóng nhận con nuôi
Bắt một phụ nữ chuyên mua bán trẻ sơ sinh
Trình bày tình hình thực tế trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người, thượng tá Lê Duy Sâm - phó trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM (PC02) - cho biết trong thời gian qua, Công an thành phố rất quyết liệt xử lý tội phạm mua bán người. Tuy nhiên loại tội phạm này diễn biến khá phức tạp.
Đối với hình thức mua bán người nội địa, phương thức của các đối tượng là lợi dụng vào điều kiện khó khăn của các sản phụ ngại nuôi con vì điều kiện kinh tế, lầm lỡ sợ bị chê cười… đã thông qua các nhóm kín trên mạng xã hội để cho con nuôi và được các đối tượng gửi lại số tiền 15 - 20 triệu. Sau đó, các đối tượng nhận con nuôi tiếp tục thông qua môi giới để rao bán đứa trẻ.
Những đối tượng trên còn giả mạo với các đối tượng làm giả giấy tờ để hợp thức hóa các giấy chứng sinh của những đứa trẻ, để người có nhu cầu nuôi nhận sẽ làm khai sinh. Ngoài ra, có tình trạng mua trẻ về nhằm mục đích trốn thi hành án.
Từ đầu năm đến nay, Công an thành phố đã xác lập 2 chuyên án, khởi tố 17 bị can, giải cứu 52 nạn nhân, đa phần trẻ em sơ sinh.
Đối với hình thức mua bán người ra nước ngoài, ông Sâm cho biết loại tội phạm này cũng thông qua mạng xã hội để dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài làm việc nhẹ lương cao.
Khi nạn nhân "sập bẫy" sẽ bị đưa vào các sòng bài, karaoke hoặc các công ty lừa đảo trực tuyến ở nước ngoài và có thể tiếp tục bị bán qua các công ty khác, nếu nạn nhân muốn về nước thì phải bỏ ra 3.000 - 5.000 USD để "chuộc" người.
"Ngoài ra, trong thời gian qua xuất hiện 1 hình thức tội phạm mới đó là bắt cóc trẻ em vì mục đích khiêu dâm. Đối tượng là nữ, cấu kết với người nước ngoài, bắt cóc 2 bé gái rồi quay clip khiêu dâm gửi cho đối tượng ở nước ngoài. Mới đây đối tượng nữ đã bị tòa án tuyên án 9 năm tù", ông Sâm nói.
Đối với dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (bổ sung), ông Sâm đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của tội phạm, tuyên truyền cho các cặp vợ chồng hiếm muộn khi có nhu cầu nhận nuôi con nuôi cho đúng quy định pháp luật; tăng cường xử lý nghiêm đối với loại tội phạm mua bán người; tăng cường kiểm tra và xử lý đối với cơ sở kinh doanh có điều kiện, cơ sở nuôi dưỡng chăm sóc trẻ em vi phạm; phát động nhân dân tố giác tội phạm...
Sự cần thiết của trực thăng trong công tác cứu hộ
Đối với dự thảo "Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ", bà Phạm Khánh Phong Lan - giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM - cho rằng nội dung chủ yếu chỉ thiên về nội dung liên quan đến phòng cháy chữa cháy, còn lại quy định về cứu nạn, cứu hộ chưa được nhiều. Vì thế cần đầu tư hơn nữa đối với những nội dung liên quan đến công tác cứu nạn cứu hộ.
Đồng thời đề nghị lực lượng phòng cháy chữa cháy cần được trang bị thêm những phương tiện hiện đại hơn, ví dụ trực thăng.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Công an TP.HCM đánh giá khả năng thực tế của công tác phòng cháy chữa cháy trong bối cảnh nhà cao tầng tại TP.HCM ngày càng nhiều, sự cần thiết trong việc hiện đại hóa trang thiết bị nghiệp vụ phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm cho biết các quy định phòng cháy chữa cháy đối với nhà cao tầng rất chặt chẽ - Ảnh: ĐAN THUẦN
Về việc này, đại tá Huỳnh Quang Tâm - trưởng Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an TP.HCM - cho biết hiện tại TP.HCM có hơn 2.000 tòa nhà cao tầng (từ 10 tầng trở lên) và tòa nhà cao nhất đến 81 tầng.
Các tiêu chuẩn an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với nhà cao tầng rất chặt chẽ, các tòa nhà cao tầng đều phải đảm bảo giải pháp về phòng cháy chữa cháy, như bên trong phải có lối thoát hiểm đảm bảo an toàn và có đường cho lực lượng chữa cháy tiếp cận.
"Việc trang bị trực thăng là cần thiết nhưng chủ yếu để cứu nạn cứu hộ, việc chữa cháy đối với nhà cao tầng thì không phù hợp và hiệu quả. Đa phần nhà cao tầng ở TP.HCM chưa quy định việc lắp đặt bố trí bãi đáp trực thăng, nên cần có kiến nghị để đưa vào quy định với việc này.
Việc trang bị trực thăng rất cần thiết cho công tác cứu nạn cứu hộ, không những đối với nhà cao tầng mà còn sử dụng trong những tình huống khẩn cấp khác", đại tá Tâm cho biết.
Đăng thảo luận