YênBái - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Yên Bái xuất hiện một thủ đoạn lừa đảo mới, hết sức tinh vi khiến không ít người dân “sập bẫy”. Đối tượng lợi dụng công nghệ Deepfake ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh thật của người dùng muốn giả mạo để lừa “nạn nhân” chuyển tiền.
Cán bộ Ngân hàng Agribank huyện Văn Yên hướng dẫn khách hàng cách cài đặt xác thực khuôn mặt trên app ngân hàng.
>> Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng
>> Cảnh giác lừa đảo trên không gian mạng ở vùng cao
Công nghệ Deepfake được sử dụng trong các ứng dụng (app) vui "hoán đổi khuôn mặt” với tính năng dễ dàng thay khuôn mặt, giọng nói của người sử dụng vào những nhân vật nổi tiếng trong các bộ phim hoặc trào lưu chế ảnh, lồng tiếng hài hước cho các clip từng gây sốt thời gian trước. Tuy nhiên, người dùng không biết khi sử dụng app đó, nhà cung cấp ứng dụng đã thu thập giữ liệu thông tin người dùng với hình ảnh khuôn mặt, giọng nói thật...Khi đã thu thập đủ giữ liệu, những kẻ lừa đảo lợi dụng ứng dụng Deepfake để tạo cuộc gọi video call giả mạo cán bộ cơ quan Nhà nước (công an, thuế, tòa án…) hoặc người quen gọi cho nạn nhân nhằm tạo sự tin tưởng, từ đó khai thác, thu thập các thông tin cá nhân nhằm mục đích lừa đảo tài chính.
Mới đây, anh Nguyễn Văn Hải ở xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên đột nhiên nhận được tin nhắn của người anh họ qua ứng dụng Facebook đề nghị chuyển tiền với nội dung "Tài khoản em còn 15 triệu không, chuyển cho anh mượn để mua vật tư, vài hôm nữa anh gửi lại” và yêu cầu chuyển thẳng số tiền đó vào tài khoản của người thứ 3 (người bán vật tư xây dựng) để "đỡ mất công phải chuyển đi chuyển lại. Lúc nào chuyển xong thì chỉ cần chụp hình gửi cho anh là được”.
Nghi ngờ Facebook người anh họ bị chiếm tài khoản nên anh Hải đã gọi video để kiểm chứng. Phía bên kia bắt máy, mở video cho anh Hải thấy mặt. Nhìn đúng là hình ảnh của người anh nhưng hơi mờ nên anh Hải thắc mắc thì phía bên kia trả lời "cam điện thoại anh bẩn nên không được nét”.
Mặc dù trong lòng cảm thấy có chút băn khoăn, song thấy hình ảnh video qua Facebook đúng là người nhà, lại biết anh đang xây nhà nên anh Hải thôi nghi ngờ và chuyển 15 triệu đồng vào tài khoản cung cấp. Sau khi chuyển tiền thành công, anh Hải gọi điện thoại trực tiếp cho anh họ để thông báo thì mới biết mình bị lừa.
Không giống như anh Hải, vào khoảng 9 giờ trung tuần tháng 6/2024, chị Trần Thị Nguyệt đang làm việc tại cơ quan thì nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 028xxxx, tự xưng là cán bộ công an phường Minh Tân, thành phố Yên Bái yêu cầu chị đăng ký lại thông tin định danh điện tử mức 2 vì lỗi hệ thống. Người này đọc đúng họ tên, số căn cước công dân, nơi cư trú của chị Nguyệt và thông báo chị lên trụ sở công an phường để đăng ký lại.
Đang trong giờ làm việc lại được đối tượng cho biết hiện nay số lượng người xếp hàng tại công an phường đang rất đông nên sẽ hướng dẫn chị Nguyệt thực hiện qua điện thoại cho thuận tiện. Nghe vậy, chị Nguyệt đồng ý. Sau đó, người này nói rằng, nếu thực hiện trên điện thoại iPhone thì sẽ tiếp tục bị lỗi hệ thống nên yêu cầu chị phải sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android (Samsung) để làm lại định danh.
Thời điểm này, chị Nguyệt đang sử dụng một điện thoại chính là iPhone và một điện thoại phụ là Samsung. Sau đó, đối tượng dùng Zalo kết bạn với chị Nguyệt và gọi video qua Zalo để hướng dẫn vào mục tìm kiếm trên Google tìm link dichvucong.bvgov.com và tải ứng dụng "Cổng dịch vụ công Bộ Công an” về điện thoại.
Tải ứng dụng xong, đối tượng hướng dẫn chị Nguyệt thực hiện các bước để định danh như: đăng nhập, lấy dấu vân tay… và thông báo dịch vụ này phải đóng phí 12 nghìn đồng. Tiếp đến, đối tượng hướng dẫn chị Nguyệt đăng nhập app của một ngân hàng trên điện thoại Samsung để trả phí. Liền sau đó, chị Nguyệt nhận tin nhắn từ ngân hàng báo về điện thoại Samsung với nội dung tài khoản của chị bị trừ hết toàn bộ số tiền trong tài khoản trên 9 triệu đồng.
Ông Vũ Hồng Hải - Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế tỉnh Yên Bái cho biết: Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh Yên Bái và các chi cục Thuế trực thuộc đã nhận được rất nhiều phản ánh của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trên địa bàn tỉnh về tình trạng có một số đối tượng giả danh cán bộ thuế gọi điện, nhắn tin đề nghị người nộp thuế mang căn cước công dân, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế... đến cơ quan thuế để được hướng dẫn hoặc truy cập vào các đường link do đối tượng cung cấp để thực hiện các thủ tục về thuế như: miễn thuế, giảm thuế, gia hạn nộp thuế, hoàn thuế,…
Trước tình trạng đó, Cục Thuế và các Chi cục Thuế trực thuộc đã liên tục ban hành nhiều thông báo khẳng định không ủy quyền cho bất cứ tổ chức hoặc cá nhân ngoài ngành Thuế nào thực hiện thu thuế, hướng dẫn thủ tục hành chính thuế hộ (trừ hệ thống bưu điện được ủy quyền thu thuế hộ kinh doanh); không mời người nộp thuế qua Zalo, Facebook, tin nhắn SMS hoặc các trang website không chính thống đến cơ quan để tập huấn hoặc hướng dẫn khai nộp thủ tục miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân, và đã khuyến cáo người nộp thuế khi nhận được các tin nhắn, cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn nhằm giúp người dân và doanh nghiệp tránh được các tình trạng lừa đảo trên...
Có thể thấy, Deepfake đang là mối đe dọa đối với người dân thiếu kinh nghiệm về công nghệ, vốn tin tưởng vào sự trung thực và chính xác của video, hình ảnh thông qua các cuộc gọi trực tuyến trên nền tảng quen thuộc như Facebook, Zalo, Viber... Bởi chất lượng các video Deepfake được tạo nên ngày càng thật, tinh vi hơn, được các đối tượng sử dụng thường xuyên cho mục đích tống tiền và lừa đảo.
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Nghĩa Văn - Trạm Tấu tuyên truyền hướng dẫn người bán hàng tại chợ Mường Lò cảnh giác với chiêu trò lừa đảo mới.
Để thực hiện được hình thức lừa đảo này, các đối tượng tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh, video có giọng nói được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội… rồi sử dụng công nghệ Deepfake AI để tạo sẵn những video có cả hình ảnh, giọng nói thật của cá nhân, rất khó phân biệt thật - giả để phục vụ cho kịch bản lừa đảo. Nguy hiểm hơn, các vụ lừa đảo bằng công nghệ Deepfake, người dùng sẽ rất khó khăn khi chứng minh với ngân hàng là mình bị lừa; phải mất nhiều thời gian và có sự tham gia của nhiều bên như nhà mạng hoặc công an.
Nhiều vụ lừa đảo số tiền với nạn nhân không nhỏ, song lại không quá lớn để có thể huy động các lực lượng vào cuộc xử lý.
Theo cơ quan chuyên môn, dấu hiệu nhận biết các cuộc gọi này thường là: thời gian gọi thường rất ngắn chỉ vài giây; khuôn mặt biểu hiện không linh hoạt, thiếu cảm xúc và khá trơ cứng khi nói lúng túng, không tự nhiên...; màu da của hình ảnh nhân vật trong video có nhiều bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí. Giọng nói sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh. Cuộc gọi thường ngắt giữa chừng với lý do là mất sóng, sóng yếu; yêu cầu chuyển tiền mà tài khoản nhận tiền lại không phải của người đang thực hiện cuộc gọi...
Để hạn chế hành vi lừa đảo này ngành chức năng khuyến cáo người dân nếu nhận được một cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền gấp, trước tiên phải bình tĩnh và xác minh thông tin bằng cách liên lạc trực tiếp với người thân, bạn bè thông qua điện thoại; kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền. Nếu là tài khoản lạ, tốt nhất không nên tiến hành giao dịch. Nếu cuộc gọi từ người tự xưng là đại diện cho ngân hàng, hãy gác máy và gọi trực tiếp cho ngân hàng để xác nhận có đúng là ngân hàng thực hiện hay không.
Khi nhận các cuộc gọi thoại hay video có chất lượng kém, chập chờn cần cảnh giác nghi ngờ tính xác thực của cuộc gọi. Các chuyên gia an ninh khuyến nghị, người dân không cung cấp thông tin cá nhân: số điện thoại, số CMT/CCCD, số tài khoản, mã OTP, địa chỉ cho bất kỳ ai không quen biết hoặc chưa rõ mục đích sử dụng.
Trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, nên liên hệ ngay lập tức qua hotline 24/7 của các ngân hàng hoặc đến chi nhánh hoặc phòng giao dịch gần nhất để được hỗ trợ kịp thời. Cũng theo khuyến cáo của các chuyên gia, nguyên tắc số 1 mà người dùng mạng xã hội cần luôn ghi nhớ thực hiện là: nghi ngờ với mọi thông tin yêu cầu (cài phần mềm, đăng nhập vào website, cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền…) trên mạng. Với tất cả các thông tin nhờ chuyển tiền, vay tiền, bình chọn... đều cần phải xác minh lại qua một kênh độc lập như điện thoại thường.
Ngoài ra, không nên truy cập vào các địa chỉ website lạ, không cài đặt các phần mềm lạ không rõ nguồn gốc, những phần mềm đòi hỏi yêu cầu cấp quyền truy cập cao vào thông tin người dùng...
Quang Thiều
Tags Yên Bái lừa đảo công nghệ Deepfake
Đăng thảo luận