Đã vậy, anh ta còn kiệm lời nói, đối xử tốt với người ngoài hơn là vợ con. Tôi có đang bị người ái kỷ thao túng?

Tôi và chồng lấy nhau đã 20 năm, cả hai có bốn năm yêu nhau từ thời sinh viên. Anh ta hơn tôi 5 tuổi, nay con gái lớn đã vào đại học, con gái nhỏ vào lớp 10. Tôi làm công chức nhà nước, anh làm kinh doanh.

Trong 20 năm gắn bó đó, tôi chưa bao giờ nhận được từ anh ta một lời xin lỗi dù anh gây ra nhiều lỗi lầm nghiêm trọng (đánh bài, cá độ đá bóng, sau đó do ham chơi, không quản lý làm doanh nghiệp mất khả năng chi trả; bố mẹ chồng phải bán đất đai xoay sở gần 10 tỷ đồng cách đây 10 năm trước để đền vào thì anh ta mới được yên ổn).

Anh ta không một lời giải thích cho những lỗi lầm đó, coi rằng việc anh ta trở về nhà bình thường đã là một ân huệ đối với tôi.

Trong 20 năm đó, chắc chỉ có hai năm đầu là cuộc sống tạm ổn, là khi tôi trải lòng những mong muốn khi có bất đồng trong gia đình, anh ta chỉ im lặng chứ không đưa ra được giải pháp nào xử lý, sau đó lại cuốn vào thú vui đánh bài của mình.

Những lời nói giao tiếp với nhau mỗi ngày càng ít đi. Có thời điểm, câu trong ngày duy nhất anh ta hỏi con đó là: "Cục sạc điện thoại ở đâu?". Làm gì có chủ ngữ, vị ngữ trong các câu nói với nhau vì anh ta từng kể lại với giọng đầy tự hào rằng khi được thầy giáo hồi cấp ba hỏi: "Em tên gì?", "Bình", "họ gì", "Trần".

Và đến khi đã xấp xỉ 50 tuổi anh ta vẫn cho rằng câu trả lời của mình ngày ấy là đúng trọng tâm câu hỏi. Thế nhưng, khi tôi trả lời chưa đúng câu hỏi gì đó, đang giải thích thì anh ta quát lên: "Tao chỉ cần biết... không phải giải thích", coi tôi như là nhân viên đang đi phỏng vấn xin việc bị bắt bẻ từng câu chữ, lời nói dù chỉ là giao tiếp hàng ngày.

Dù anh ta gây thất thoát số tiền lớn như thế, nhưng nếu tôi mua một trái sầu riêng về nhà ăn thì trong mắt anh ta, tôi như tội đồ vừa gây ra sai lầm tương đương cháy nhà, anh săm soi nó có ngon, béo đúng chuẩn không, khi phát hiện sượng anh ta bắt tôi phải đem đi trả lại dù giá trị không đáng bao nhiêu tiền.

Khi cả nhà đi uống cà phê, tôi gọi một ly sinh tố bơ, anh ta tỏ thái độ giận dữ tương tự. Lý do của những việc đó là, ở nhà có nhiều thứ đó, sao không ăn, phải đi mua. Trong khi anh ta không phân biệt được đó là những thời điểm khác nhau, cho rằng nếu có thèm thì tôi phải nhịn chờ đến khi nhà có mới được ăn.

Anh ta hay quên việc, được tôi nhắc thì quát lên: "Mày không sai tao mày không chịu được hả", ngược lại đi dặn dò những người làm việc chung với anh ta: "Nhớ dặn anh.... anh hay quên lắm".

Tôi có thể tỉ mỉ lựa chọn từng loại nguyên liệu tươi ngon, ở mỗi chỗ khác nhau, học các công thức chế biến món mới, hăng say nấu những bữa cơm chờ anh ta về ăn, đổi lại là anh ta bước xuống từ phòng khách, ngồi chễm chệ và quát lên: "Cơm đâu mà ăn" khi tôi đang lu bu dọn, hét con: "Sao không dọn cơm cho ba ăn", "lần sau có đầy đủ rồi hãy kêu xuống ăn".

Sau đó là cắm mặt vào điện thoại mở âm thanh to hết cỡ hòa cùng âm thanh của ti vi lúc nãy anh ta coi chưa tắt vọng xuống, dù ngồi đối diện anh ta không hề nhìn tôi, có nói chuyện chỉ là: "Sao món này mặn, sau đừng nấu món kia anh ta ăn bị đau bụng...".

Khi tôi ngỏ ý mua thuốc cho anh thì anh ta quát lên "ai kiểm chứng cho thuốc đó, không tin...".

Tôi nói sao anh không bới cơm cho vợ, anh nói: "Bữa ăn, bữa không, bữa ăn ít, bữa ăn nhiều ai biết mà bới", tôi nói: "Anh không biết hỏi à, cũng là câu chuyện để giao tiếp với nhau", anh ta chốt "tự đi mà bới".

Anh ta không chịu ăn loại chén kiểu tôi mua, chê nó to, bắt phải đổi đúng loại chén bình thường, nhưng khi ăn xong lại tùy tiện gạt tàn thuốc vào chén cơm đã ăn.

Anh ta chưa từng chúc mừng sinh nhật vợ, con, mua đồ dùng, bao vở, dạy con học, đưa vợ con đi chơi những ngày lễ. Cuộc sống của anh ta triền miên là ngồi quán đánh bài, đánh bi - da (trước kia); bây giờ là ngủ ở ngoài vườn canh giữ, cho rằng là tài sản của mình, phải canh giữ trực tiếp (nằm chơi coi điện thoại, nhắn tin, gọi điện chọc giỡn với thiên hạ).

Chưa bao giờ anh ta ngỏ ý dẫn vợ, con đi ăn sáng, uống cà phê, đi bơi,... anh ta nói phí phạm, không có tiền nhưng có thể chi tiêu rất thoáng cho bạn bè, trong lúc hoàn cảnh còn khó khăn.

Chỉ là những trao đổi vụn vặt trong cuộc sống cũng khiến anh ta trở thành con hổ dữ, chưa bao giờ nói một tiếng cảm ơn vợ.

Nhưng, khi ở ngoài xã hội, anh ta trở thành một con người hoàn toàn khác, anh ta cười nói vui vẻ, tỏ ra rất quan tâm đến chi tiết nhỏ đến rất nhiều người phụ nữ xung quanh.

Anh ta ngủ khò khi trời mưa gió, vợ đi làm 10 giờ tối vẫn chưa về (họp đột xuất), khi về cũng không hề hỏi han thế nào; ngày đầu con đi học bằng xe đạp, trời mưa to con vẫn chưa về tới nhà, anh ta vẫn ung dung ngồi coi ti vi...

Anh ta luôn tỏ ra bận rộn, quát mắng "tao đi làm mệt.... không có thời gian" nhưng, anh ta rất kiên nhẫn ngồi nhắn tin, bình luận chọc ghẹo hết người nọ đến người kia, là những người phụ nữ bỏ chồng, hay đăng hình lên mạng xã hội.: chúc mừng sinh nhật, khen "em tuyệt vời"; "khi nào xuống đây anh nấu cho em ăn", "cho anh xin một chân phục vụ", "cảm ơn", "sao không trả lời tin nhắn anh", "bữa nay có nấu cơm không?", "ngủ sớm đi mai đi học"... Khi mọi người trao đổi công việc nghiêm túc anh ta cũng trả lời theo hướng cợt nhã "nhớ anh rồi sao", "anh mà"...

Tất cả những lời lẽ đó vốn dĩ là giao tiếp bình thường, tuy nhiên, nó trở nên khác thường vì trái ngược hoàn toàn với những lời lẽ anh ta dành cho vợ. Khi tôi vô tình đọc được và cảm thấy, hình như tôi đang sống với một con người đa nhân cách, anh ta luôn tỏ ra rất đạo mạo, chuẩn mực trong mắt gia đình.

Những hành động của anh cũng rất khác thường, dù rằng những mối quan hệ đó không phát triển đến đâu nhưng nó được nhân lên với rất nhiều phụ nữ trong xã hội, khiến anh ta làm gì còn có tâm trí, năng lượng dành cho vợ, con mình.

Anh ta chở nhân viên đi công tác xa bằng xe máy do cô ta say xe, dù cả cơ quan đi xe khác; anh ta lẽo đẽo cầm dùm áo khoác cho nhân viên nữ, dù người ta không lên tiếng nhờ. Anh ta đi theo nhân viên nữ hỏi những câu riêng tư để tỏ ý gợi chuyện, làm hòa với họ nếu có trót nói gì làm họ phật ý.

Anh ta lịch sự, like tất cả các bài viết của gần 5000 bạn bè trên Facebook, không sót ai, nhưng khi vợ lên tiếng sao bình luận "kỳ" thì chặn vợ liền. Bài viết nào, anh ta cũng bình luận không thể hiện quan điểm, khen hay chê. Khi tôi lên tiếng về vấn đề này anh ta nổi giận, có lần cầm dao hăm dọa và yêu cầu tôi phải dọn đồ đi ngay.

Anh ta chia sẻ bài viết bán hàng của một số phụ nữ trên Facebook với lý do ủng hộ, nhưng không hề like bài bán hàng của vợ anh ta; bài con anh ta đạt thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT, giải nhất thi học sinh giỏi cấp tỉnh,....

Một sự việc, dưới góc nhìn khách quan của tất cả mọi người, tôi đang đúng và đem lại lợi ích cho anh ta nhưng đổi lại là sự mắc cỡ, chửi bới, quát mắng, xúc phạm.

Anh ta biết tiết kiệm, lựa chọn từng nhân xưng, từ ngữ gây tính sát thương cao nhất dành cho tôi, đồng thời cũng biết lựa chọn nhân xưng trong các tình huống khiến tôi bất ngờ về nhân cách của anh ta (dù anh ta khẳng định mình rất đàng hoàng, đứng đắn). Khi thấy một bạn sinh viên làm rớt điện thoại, anh ta - phụ huynh của sinh viên - đã nói "bạn ơi, rớt điện thoại kìa"....

Tôi như bị ám thị, thu mình vì những lời nói của anh ta, có phải mình quá khác biệt trong thế giới này, tôi từng thấy chán ngán công việc của mình, suy nghĩ chỉ có anh ta là chân lý trong mọi sự việc, hoàn cảnh; rằng đàn ông bây giờ ai cũng vậy, phụ nữ phải cam chịu.

Mọi người hay cho rằng đời sống hôn nhân đang nguội lạnh khi vợ chồng không giao tiếp với nhau quá 10 câu trong ngày. Trong khi hôn nhân của tôi đang ở mức chỉ cần anh ta mở miệng hỏi một câu không có chủ, vị ngữ về một sự việc liên quan đến phục vụ nhu cầu của cá nhân anh ta đã là một sự ban ơn cho tôi, vì có sự giao tiếp rồi. Anh ta không còn ở nhà, cho rằng công việc như vậy là hợp lý, nếu ở nhà đã là một sự ban ơn, đi về thất thường theo ý muốn, khi tôi nói chuyện gì trái ý anh ta lại quát lên "biết vậy tao không về làm gì".

Từ một người nhẹ nhàng, yêu văn chương, không biết dùng lời lẽ thô tục, nay tôi đã dễ dàng tuôn ra những lời tục tĩu nhất, liên tiếp để đáp trả khi không kiềm chế được.

Anh ta luôn nói, làm tất cả vì gia đình, nhưng hiện tại, anh ta không hề dành bất cứ điều gì cho gia đình: thời gian, chia sẻ tình cảm, mọi điều trong cuộc sống ... tiền thì anh ta chỉ đưa khi con xin, còn không hề đóng góp các khoản chi tiêu.

Khi giận dỗi, anh ta tự mua thức ăn nấu riêng chứ không muốn ăn chung, vào phòng làm chìa khóa thêm khóa cửa bên trong lại (lúc trước còn ở nhà). Và anh ta im lặng như thế, đi ra ngoài vẫn nói cười vui vẻ, còn rủ cả cơ quan đi nhậu.

Có phải tôi đang sống và bị thao túng bởi một người ái kỷ? Nếu có thang điểm cho một cuộc hôn nhân, có phải cuộc hôn nhân này của tôi đang bị âm điểm?

Linh Linh