Chuyển làn rào chắn để sửa khe co giãn trên cầu Long Thành

(Dân trí) - Từ 12/9, đơn vị vận hành cầu Long Thành khuyến cáo người lưu thông di chuyển sang làn phải cầu Long Thành, hướng từ Đồng Nai về TPHCM để tránh xung đột giao thông gần vị trí thi công.

Ngày 11/9, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E - đơn vị quản lý tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây), cho biết, khe co giãn trên làn đường bên trái của cầu Long Thành đã được sửa chữa hoàn tất. Đơn vị thi công sẽ chuyển sang làn phải (hướng Đồng Nai về TPHCM) để tiếp tục thi công.

Sau 7 ngày triển khai, đơn vị thi công đã tiến hành cân chỉnh, lắp đặt khe co giãn mới, đổ bê tông phần nối giữa khe co giãn và bản mặt cầu.

Chuyển làn rào chắn để sửa khe co giãn trên cầu Long Thành  第1张

Khe co giãn hướng Đồng Nai về TPHCM đã hoàn tất sửa chữa một làn bên trái (Ảnh: VEC-E).

Từ ngày 12/9, đơn vị thi công bắt đầu chuyển làn thi công (thi công sang làn phải theo hướng Đồng Nai về TPHCM), trước đó là làn trái.

Theo đó, đơn vị vận hành khuyến cáo tài xế lưu ý di chuyển sang làn trái khi bắt đầu lên cầu Long Thành theo hướng Đồng Nai về TPHCM để tránh xung đột giao thông gần vị trí thi công.

Để đảm bảo thông tin người dân, xung quanh khu vực có bố trí thông báo, biển chỉ dẫn chuyển làn.

Qua thời gian đưa vào khai thác, khe co giãn tại trụ P20, Km12+228 cầu Long Thành bị gãy thanh ray, nếu không được sửa chữa kịp thời sẽ gây mất an toàn công trình. Do đó, từ 5/9, VEC-E thông báo phải tạm rào chắn một phần mặt cầu hướng Đồng Nai đi TPHCM - phía trái tuyến để sửa chữa khe co giãn nêu trên.

Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km, 4 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, đi qua TPHCM và Đồng Nai, khai thác từ năm 2015. Trên tuyến, cầu Long Thành bắc qua sông Đồng Nai, nối TP Thủ Đức sang huyện Long Thành là cây cầu có quy mô lớn nhất. Cầu dài hơn 2,3km, rộng 19,7m, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện qua tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây liên tục tăng cao, trung bình khoảng 10,45%/năm, đến nay, tuyến đường đã mãn tải.

Tuyến đường này sau khi nối thông với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết về Bình Thuận khiến áp lực giao thông tiếp tục tăng lên và hiện được nghiên cứu các phương án mở rộng lên 8-10 làn xe.