Kinhtedothi – Tại Quảng trường Phan Ngọc Hiển trị giá hơn 236 tỷ đồng đang được xây dựng tại trung tâm TP Cà Mau, một hạng mục mới được phát sinh được nhiều người quan tâm thích thú, đó là biểu tượng con tôm.
Biểu tượng tôm Cà Mau (ảnh do chủ đầu tư cung cấp)Tin liên quan
Về Mũi Cà Mau cưỡi sóng xuyên rừng
Trưng bày tư liệu, hình ảnh về Hoàng Sa, Trường Sa tại Cà Mau
Điểm nhấn của cảnh quan đô thị Cà Mau
Ngày 29/10, trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Trần Hiếu Hùng Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chủ trương cho phát sinh hạng mục công trình biểu tượng con tôm Cà Mau và công trình nâng cấp đường Lê Duẩn (đoạn trước trung tâm hội nghị, chiều dài khoảng 200m) vào dự án đầu tư xây dựng quảng trường Phan Ngọc Hiển, thành phố Cà Mau. Theo đó, chủ trương xây công trình biểu tượng tôm vì đây là mặt hàng giá trị kinh tế cao, có vai trò chủ lực trong xuất khẩu thủy sản Cà Mau.
Phối cảnh Quảng trường Phan Ngọc Hiển Cà Mau (ảnh do chủ đầu tư cung cấp)Công trình do Ban Quản lý dự án Công trình giao thông làm đơn vị đầu tư, phối hợp với ông Tô Minh Tấn (tác giả biểu tượng tôm) chọn đơn vị thiết kế và thi công. Biểu tượng làm bằng bêtông cốt thép, ốp gốm, nằm giữa quảng trường. Hạng mục được xây dựng ngay tại vị trí biểu tượng con tôm Cà Mau hiện hữu (công trình này phục vụ dịp Festival tôm Cà Mau, dạng 2D, kết cấu chủ yếu là thép và alu). Công trình mới sẽ tận dụng lại phần móng, phần phía trên được tháo dỡ, thép sau khi tháo dỡ sẽ được thanh lý theo quy định.
Dự án quảng trường Phan Ngọc Hiển tổng mức đầu tư 236 tỷ đồng (chưa điều chỉnh), dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 30/6/2025. Toàn dự án tổng diện tích hơn 50.700 m2, gồm nhiều công trình như sân khấu, hệ thống phun nước nghệ thuật, sân, đường nội bộ, chiếu sáng, cấp thoát nước... Đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVII diễn ra vào cuối năm 2025.
Nhiều năm Cà Mau duy trì kim ngạch xuất khẩu luôn ở mức 1 tỷ USD
Tỉnh Cà Mau rộng hơn 5.300 km2, khoảng 1,2 triệu dân, thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sản vật nổi tiếng, trong đó có tôm với diện tích nuôi lớn nhất nước, gần 280.000 ha, chiếm gần 40% diện tích nuôi cả nước. Mặt hàng tôm trở thành ngành hàng chủ lực giúp người dân làm giàu, đóng góp quan trọng vào kinh tế của địa phương. Nhiều năm liên tục, Cà Mau duy trì kim ngạch xuất khẩu luôn ở mức 1 tỷ USD, chủ yếu từ con tôm, mà đặc biệt là con tôm sú. Với vị trí địa lý vùng bán đảo Cà Mau đầy phù sa, con tôm ở tỉnh này có chất lượng riêng biệt, thu hút nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, Nhật, EU hàng chục năm qua. Theo kế hoạch của tỉnh, địa phương này phấn đấu xuất khẩu tôm đạt 1,4 tỷ USD vào năm 2025.
Theo nhiều người dân Cà Mau, việc tỉnh chọn con tôm để xây dựng làm biểu tượng tại Quảng trường Phan Ngọc Hiển tại TP Cà Mau là hoàn toàn phù hợp về thẩm mỹ, mỹ quan đô thị, du lịch, kinh tế… “Vì bao đời nay, Cà Mau lắm tôm nhiều cá đã trở thành một thương hiệu du lịch, địa lý, nhất là đã mang lại mưu sinh cho hàng vạn người dân Cà Mau. Thực tế, con tôm Cà Mau đã trở thành biểu tượng kinh tế trong lòng người dân từ lâu” – anh Nguyễn Hữu Tài, một người dân ở phường 8 TP Cà Mau nói.
Đăng thảo luận