Bạn tôi về quê bán cà phê pha máy, không cạnh tranh lại vì nhiều người quen uống cà phê 8 nghìn một ly, có "màu đen đậm đà"
Một người bạn của tôi, sau khi chán việc ở Sài Gòn, gom góp một số vốn về quê mở tiệm cà phê, vừa có đồng ra đồng vào, vừa giải tỏa áp lực cũng như tận dụng thời gian để ở cạnh cha mẹ già.
Bạn đầu tư máy pha cà phê vài chục triệu, hạt cà phê đặt từ người quen ở Tây Nguyên gửi vài bận xe khách mới đến tay. Bạn bán 15 nghìn một ly, sát giá vốn, chấp nhận lời ích với mong muốn thay đổi thói quen uống cà phê của nhiều người.
Chỉ có bà bán cà phê 8 nghìn một ly, nước đen kịt ở quán đối diện là cười thầm. Ngày khai trương, bạn bán được chục ly, sang ngày thứ hai vắng dần, vài tháng sau sập tiệm vì không ai mua uống cả.
Đầu tiên họ chê đắt (15 nghìn so với 8 nghìn một ly). Sau đó, họ chê cà phê gì mà nhạt nhẽo, không đậm đà (so với thứ nước đen kịt ấy).
Mỗi lần về quê, tôi cũng uống thứ nước đen đen ấy, gọi là cà phê. Sự thật nó được xay và trộn sẵn, đóng gói. Ít nhiều đã thêm thắt phụ gia, nhưng không rõ nó có những thành phần gì. Nhưng với giá thành 8 nghìn đồng một ly đã pha thì tôi không rõ có bao nhiêu phần trăm là cà phê. Vì giá cà phê hạt năm nay có thời điểm lên ngoài trăm nghìn một kg.
Đặc biệt, nếu mua bột cà phê đó về nhà pha phin, thì không cần thêm đường, vì nó đã ngọt sẵn.
Câu chuyện này tương tự như người bạn trồng rau sạch của tôi, kinh doanh cũng không thành công vì rau quả trồng tốn công, thời gian chờ thu hoạch lâu, giá mắc mà lại "nhìn không bắt mắt".
Câu chuyện thực phẩm sạch, là một nan đề mà chúng ta khó giải quyết, khi nhiều người hàng ngày đã vốn quen dùng thực phẩm "rẻ, ngon" dù không sạch. Như cái quán cơm gần nhà của tôi, một chiếc đùi gà to được cho vào suất cơm chiên, giá chỉ 30 nghìn đồng. Nếu thực phẩm chuẩn, làm sao có giá đó?
Hải Nam
Đăng thảo luận