XÃ HỘI
Gần 600 động vật được "xả stress" khi Thảo Cầm Viên đóng cửa do Covid-19
(Dân trí) - Gần 4 tháng Thảo Cầm Viên tạm đóng cửa vì dịch Covid-19, không có du khách nên vườn thú trở nên yên tĩnh, 600 cá thể động vật ở đây như được "xả stress" vì không bị con người và tiếng ồn làm phiền.
Thảo Cầm Viên (phường Đa Kao, Quận 1) là vườn thú lâu đời nhất TPHCM với hơn 156 năm hoạt động liên tục, đứng thứ 8 trong top những vườn thú lâu đời nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, hiện tại nơi này đang trong tình trạng đóng cửa, tạm ngừng hoạt động suốt gần 4 tháng qua do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ông Trương Ngọc Đăng - Trường phòng kỹ thuật của Thảo Cầm Viên cho biết, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, ban đầu đơn vị dự kiến tạm ngừng hoạt động một tuần lễ, từ 23/5 đến 31/5, tuy nhiên sau đó tình hình dịch bệnh trở nên căng thẳng, Thảo Cầm Viên bắt buộc phải đóng cửa, ngừng đón du khách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
"Sau khi ngừng hoạt động, Ban quản lý cũng đã vận động được một số nhân viên tiếp tục ở lại để thực hiện '3 tại chỗ', hỗ trợ chăm sóc thú, thực vật của Thảo Cầm Viên. May mắn là rất nhiều nhân viên cũng đồng lòng, và tận tâm với từng con thú, cây cỏ ở đây nên đã ở lại suốt thời gian gần 4 tháng qua", ông Đăng cho biết.
Đại diện Ban quản lý cho biết, chế độ dinh dưỡng của từng loài thú tại Thảo Cầm Viên luôn là vấn đề được quan tâm nhất trong suốt mùa dịch Covid-19. Vấn đề cung cấp thức ăn, dinh dưỡng cho vườn thú cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Trương Ngọc Đăng, thiếu thực phẩm cho thú trong vườn là điều trăn trở và lo ngại nhất suốt thời gian qua. Hiện đang giãn cách xã hội, việc di chuyển để tìm nguồn thực phẩm, rau củ cho động vật rất khó khăn, các đối tác cung cấp thực phẩm cho Thảo Cầm Viên cũng bị giảm số lượng, cung cấp không đủ như trước. Đặc biệt, các loại rau củ rất khó mua, nên khi tìm được nguồn thực phẩm thì đơn vị sẽ mua một lần với số lượng lớn và mang về dự trữ trong kho lạnh để cho thú ăn dần.
Hiện tại toàn bộ Thảo Cầm Viên chỉ còn lại 36 nhân viên ở lại thực hiện "3 tại chỗ", gồng gánh một khối lượng công việc lớn cho cả vườn thú. Hàng ngày, từ 7h sáng, các nhân viên bắt đầu chia nhau ra để chuẩn bị thức ăn, phân chia khẩu phần cho từng loại thú.
Thức ăn sau khi chế biến, phân loại xong, sẽ được các nhân viên dùng xe tải nhỏ vận chuyển đến các chuồng, khu vực nuôi của thú để giao cho nhân viên phụ trách tiếp nhận và cho thú ăn đúng theo giờ quy định.
Đại diện Ban quản lý Thảo Cầm Viên chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn thực phẩm cho các loại thú trở nên khan hiếm và không được đầy đủ như trước. Tuy nhiên, đơn vị cũng rất cố gắng để cân bằng và đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và khẩu phần ăn cho các loài thú.
Hiện tại, Thảo Cầm Viên đang nuôi dưỡng 590 đầu thú thuộc 125 loài, gồm nhóm thú ăn thực vật như hươu, nai, hà mã, sơn dương,... nhóm thú ăn thịt như báo, hổ, sư tử, và một số loài linh trưởng, chim quý hiếm.
Những ngày này, Thảo Cầm Viên trở nên tĩnh lặng, không còn cảnh du khách tham quan nhộp nhịp mỗi ngày như trước, không gian yên tĩnh hơn khiến các loài thú cũng thoải mái hơn.
Anh Phạm Quốc Thịnh, nhân viên phụ trách chăm sóc hươu cao cổ ở Thảo Cầm Viên, hàng ngày đều dậy từ 6h sáng để dọn dẹp vệ sinh chuồng và chuẩn bị thức ăn buổi sáng cho 3 chú hươu tại đây.
"Hiện thực phẩm cho hươu khá khan hiếm, bình thường sẽ cho ăn chuối, bắp, cà rốt, một số loại rau khác, nhưng hiện giờ một số thực phẩm tìm mua không có, buộc phải thay vào các loại khác hoặc cắt giảm đi. Giờ mua được gì thì cho ăn thứ đó, nhưng vẫn phải cố gắng đảm bảo cho chúng ăn no hàng ngày", anh Thịnh cho hay.
Ông Đỗ Thanh Hải, làm việc ở Thảo Cầm Viên đã 38 năm nay, ông phụ trách chăm sóc các cá thể voi tại đây. Theo ông Hải, với các loài thú khác ít được huấn luyện hơn thì có thể thay thế nhân viên khác cho ăn, nhưng riêng loài voi ở đây thì bắt buộc phải là người huấn luyện quen với nó mới có thể tiếp cận.
"Hơn 3 tháng nay tôi tình nguyện ở lại vườn để chăm cho đàn voi, nếu tôi về nhà thì sẽ không có ai có thể cho chúng ăn, vì chúng không thích người lạ. Người không quen tập tính của nó đến cho ăn, không những nó không ăn, mà đôi khi còn phản ứng lại, sẽ rất nguy hiểm. Tôi nuôi Chuông (tên chú voi) cũng lâu rồi, xem như người thân vậy, nên cũng không nỡ rời đi, đành xin ở lại để chăm sóc cho nó", ông Hải chia sẻ.
Ông Nguyễn Huy Đạt, nhân viên bảo vệ của Thảo Cầm Viên, do thiếu người chăm sóc thú, ông đã xin ở lại để thực hiện "3 tại chỗ", sau đó chuyển từ bảo vệ sang làm nhân viên chăm sóc thú để hỗ trợ cho các nhân viên ở đây.
"Suốt 15 năm làm việc tại đây, tôi chưa một lần nào thấy ở đây vắng vẻ và đóng cửa lâu đến vậy, đã gần 4 tháng rồi. Không biết tình hình này sẽ còn kéo dài đến bao giờ nữa, hy vọng dịch bệnh sớm qua đi, để mở cửa đón du khách trở lại, nhìn cảnh này cũng buồn lắm", ông Đạt chia sẻ.
Theo các nhân viên ở Thảo Cầm Viên, những ngày tạm đóng cửa, ngoài việc chăm sóc sức khỏe, cho ăn hàng ngày, họ cũng dành nhiều thời gian hơn để tiếp xúc và chơi với các cá thể thú mà họ phụ trách, để tâm lý chúng được thoải mái và thân thiện hơn.
Anh Phạm Thanh Phong, nhân viên ở Thảo Cầm Viên cho biết, những ngày này không có du khách, không gian trở nên yên tĩnh, môi trường thoáng đáng hơn khiến tâm lý các loài thú cũng sẽ thư giãn, không còn căng thẳng như khi tiếp xúc nhiều với du khách, đây cũng là một điều rất tích cực. Đặc biệt, thời gian Thảo Cầm Viên tạm ngừng hoạt động cũng đúng vào chu kỳ sinh sản của nhiều loài thú, chim quý hiếm trong vườn, đây cũng là điều kiện thuận lợi để chúng phát triển tốt hơn.
Đăng thảo luận
2024-09-25 09:03:48 · 来自222.17.170.19回复
2024-09-25 09:13:52 · 来自210.46.175.165回复
2024-09-25 09:23:47 · 来自121.77.121.154回复
2024-09-25 09:33:49 · 来自171.11.87.44回复