Nhiều doanh nghiệp thừa nhận giá thành sản xuất bánh trung thu 1 nhưng giá bán có thể được 2, thậm chí 3 nhưng có rủi ro hàng tồn. Phản hồi việc 'bán bánh trung thu lãi đậm', nhiều công ty sản xuất khẳng định 'không thơm' như nhiều người nghĩ.
Hiện bánh trung thu thương hiệu Đồng Khánh được nhiều điểm bán lẻ tại TP.HCM áp dụng "mua 1 thành 4" nhưng sức mua vẫn không như kỳ vọng - Ảnh: N.TRÍ
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Trung thu, nhiều người bán hối hả tung chiêu "mua 1 thành 3, 4", bán đồng giá... để kỳ vọng kéo khách, tránh tình trạng ôm hàng tồn nhiều.
Tung giá cao rồi sau đó bán kiểu "mua 1 thành 4"
Ghi nhận ngày 15-9, hiện trên các tuyến đường chính ở TP.HCM như Phạm Văn Đồng, Cách Mạng Tháng Tám, Quang Trung… dễ dàng nhận thấy hầu hết các quầy, cửa hàng bánh trung thu treo biển giảm giá "mua 1 thành 3, 4", hoặc niêm yết giá bán ưu đãi lớn cho khách hàng.
Đang bán hàng cho khách, bà Ngô Thị Hồng, chủ cửa hàng trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), cho biết sức mua tăng mạnh hơn khi đơn vị áp dụng khuyến mãi "mua 1 thành 4" đối với dòng bánh Đồng Khánh từ vài ngày qua. Tuy nhiên, doanh số vẫn không như kỳ vọng.
Theo bà Hồng, với giá 80.000 - 120.000 đồng/cái tùy loại, "mua 1 thành 4" thì tính ra mỗi bánh giờ chỉ còn khoảng 20.000 - 30.000 đồng, giá quá tốt.
Tương tự, ngoài việc áp dụng giảm giá sâu cho dòng bánh Đồng Khánh để mong kịp bán hơn 2.000 bánh đang còn, ông Nguyễn Văn Đức, đại diện một điểm bán trên đường Quang Trung (Gò Vấp), cho biết đang tính toán trả hơn 70 hộp bánh Kinh Đô cho công ty.
Theo ông Đức, chính sách của Kinh Đô cho trả hàng nên người bán lẻ đỡ áp lực, còn bánh Đồng Khánh mua đứt bán đoạn nên phải tự lo.
"Giờ trả bánh về là không đạt doanh số nên không được thưởng. Nhưng thôi, thà chấp nhận được lời ít cho yên tâm", ông Đức tính toán.
Vừa ghé vào cửa hàng để "mua 2 cái được 8 cái", bà Ngô Thị Hường (Bình Thạnh) nói thèm bánh nhưng đầu mùa giá cao quá, giờ mới "canh me" để mua ăn.
"Nếu cửa hàng bán với giá tốt ngay từ đầu, áp dụng một chính sách giá thì cả khách lẫn người bán đều dễ mua bán, không phải tranh thủ xổ hàng tồn như hiện nay", bà Hường nói.
Ngoài các điểm bán lẻ, nhiều siêu thị như Winmart, Co.opmart, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh... cũng đang áp dụng giảm giá thêm cho nhiều dòng bánh trung thu, thậm chí có điểm bán giảm giá đến 50%.
Giá cao chủ yếu do thị hiếu?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online mới đây, ông Kao Siêu Lực, tổng giám đốc Công ty CP bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), cho rằng chủng loại bánh trung thu hiện khá đa dạng, phân khúc bánh giá cao cũng nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Lực, giá bánh tăng một phần do chịu ảnh hưởng từ giá nguyên liệu đầu vào tăng. Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng bánh trung thu đã có nhiều thay đổi so với quá khứ, bởi không chỉ dành cho thiếu nhi, mà hiện còn dành để biếu tặng...
Sản xuất bánh trung thu tại một doanh nghiệp ở TP.HCM - Ảnh: N.TRÍ
"Tâm lý chung là bánh được mang đi biếu tặng không thể chọn hàng giá rẻ. Do đó, bánh giá rẻ vẫn có thể sản xuất được, nhưng bánh giá cao thì thường chất lượng, hợp với thị hiếu biếu tặng hơn", ông Lực nói.
Nhiều doanh nghiệp thừa nhận giá bán là 2, thậm chí 3 thì giá thành sản xuất có thể chỉ là 1.
Với sản phẩm có giá phổ biến 1-2 triệu đồng/hộp, bà Nguyễn Ngọc Hương, đại diện một cơ sở làm bánh trung thu tại TP.HCM, cho rằng bánh rẻ vài chục nghìn đồng, thậm chí vài nghìn đồng vẫn có thể sản xuất được. Nhưng định hướng của đơn vị là bánh biếu tặng nên phải sang trọng, trong đó chi phí cho vỏ hộp đôi khi tốn gấp đôi chi phí làm bánh.
Trong khi đó, giải đáp quan điểm "giá bánh trung thu quá cao, doanh nghiệp sản xuất lãi nhiều" từ người tiêu dùng, ông Trịnh Phúc Nguyên, giám đốc một công ty chuyên sản xuất bánh kẹo tại TP.HCM, cho rằng "không lãi lớn như nhiều người lầm tưởng".
Bánh trung thu được sản xuất từ nguyên liệu là thanh long ruột đỏ được một doanh nghiệp nghiên cứu đưa ra thị trường gần đây - Ảnh: N.TRÍ
Theo ông Nguyên, thông thường có 3 tầng phân phối gồm nhà phân phối chính thức, đại lý do nhà phân phối quản lý, tầng 3 là cửa hàng.
Theo đó, nhà phân phối chính thức thường sẽ được doanh nghiệp sản xuất cho mức chiết khấu 25% và thêm 5% cuối mùa nếu nhà phân phối đạt doanh số. Rồi chiết khấu này được nhà phân phối tiếp tục chia nhỏ xuống cho đại lý, từ đại lý chia xuống cho cửa hàng, chưa kể đầu mùa khách cũng kêu giảm giá.
"Hồi xưa nếu khách mua sỉ 1.000 hộp thì được chiết khấu 20%, còn 5.000 hộp 30%, nhưng giờ khách hàng mua số lượng tương đối đều đòi mức chiết khấu cao nhất. Mức lãi giờ chia năm xẻ bảy do người tiêu dùng đòi, hệ thống phân phối đòi, chi phí vận hành... nên thực chất không phải công ty 'ăn' hết", ông Nguyên khẳng định.
Chi phí lớn, nhiều rủi ro đi kèm
Nhiều doanh nghiệp thừa nhận giá thành sản xuất 1 nhưng giá bán có thể được 2, thậm chí 3. Tuy nhiên, lợi nhuận với bánh trung thu không còn "thơm" như trước.
Cụ thể, do là mặt hàng thời vụ nên chi phí vận hành, đầu tư cửa hàng bánh bán trung thu... thường cao hơn hàng bình thường, chưa kể tỉ lệ hàng tồn kho cao nên rủi ro đi kèm lớn.
Đăng thảo luận