Giáo sư nước ngoài rút ruột gan trao đổi, sinh viên cắm mặt vào điện thoại

(Dân trí) - Trường đại học mời giáo sư từ nước ngoài đến trao đổi nhưng cảnh tượng thu lại là diễn giả cứ nói, sinh viên ngồi dưới cứ cắm mặt vào điện thoại.

Giảng viên một trường đại học ở TPHCM kể, cách đây không lâu, qua chương trình hợp tác quốc tế, họ mời được một giáo sư nổi tiếng từ nước ngoài đến trao đổi với sinh viên.

Giáo sư nước ngoài rút ruột gan trao đổi, sinh viên cắm mặt vào điện thoại  第1张

Giáo sư nước ngoài trao đổi ở trên, phía dưới hàng loạt sinh viên chăm chú vào điện thoại trong một chuyên đề tại trường đại học ở TPHCM(Ảnh: H.N).

Chương trình được tổ chức tại hội trường lớn với sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Vị giáo sư chọn chủ đề gắn liền với chương trình đào tạo của trường, đưa đến những thông tin, nội dung quan trọng, bổ ích.

Thế nhưng, trong suốt buổi trao đổi hôm ấy, cảnh tượng trước mắt là vị giáo sư rút hết ruột gan ra nói, còn bên dưới hàng trăm sinh viên cắm mặt vào điện thoại.

Bên dưới hội trường không có tiếng động, không có sự ồn ào, không có sự nhộn nhạo, không có sự trao đổi… Nhưng không phải xuất phát từ ý thức nghiêm túc của người nghe mà bởi hầu hết sinh viên người nào người nấy chỉ tập trung vào chiếc điện thoại trên tay.

Những buổi trao đổi như vậy là cơ hội hiếm để sinh viên học hỏi, nắm thêm nhiều thông tin, kiến thức, là cơ hội để trao đổi, chất vấn nhưng sinh viên thờ ơ, mặc kệ. Chỉ số ít các bạn có ý thức thu nhận kiến thức, tận dụng cơ hội học hỏi.

Không quá bất ngờ vì đã nhiều năm đứng lớp chứng kiến sự "vô hồn" của sinh viên trong học tập nhưng sự việc trên vẫn làm nam giảng viên trăn trở, suy nghĩ.

Không chỉ sinh viên trường mình, từng dự nhiều tọa đàm, hội thảo học thuật ở nhiều trường, ông đều nhìn thấy tình trạng sinh viên thờ ơ, hờ hững trong học tập như vậy. Thứ các em chú tâm nhất là điện thoại, là game, là những clip hài nhảm, TikTok, những tranh luận ngập drama (kịch tích) trên mạng…

"Trước đây tôi nghĩ chỉ khi thầy dạy chán thì sinh viên mới thờ ơ, không hứng thú. Nhưng giờ đây, kể cả người thầy nỗ lực, đưa đến những bài giảng hay cũng khó thu hút các em. Những thứ trên mạng xã hội, kể cả những thứ vô bổ sẽ hấp dẫn với sinh viên hơn", giảng viên này bày tỏ.

Thực trạng sinh viên vật vờ ở giảng đường là câu chuyện đã được nhắc đến lâu nay. Giảng đường đại học nơi cần sự say mê học tập, nghiên cứu để chuẩn bị cho hành trình bước vào đời phía trước thì không ít sinh viên đến trường chỉ với mục đích điểm danh đủ tiết, đủ buổi.

Giáo sư nước ngoài rút ruột gan trao đổi, sinh viên cắm mặt vào điện thoại  第2张

Sinh viên say sưa với điện thoại hơn bài giảng, cảnh tượng dễ thấy ở các giảng đường đại học (Ảnh: H.N).

Thời gian quý báu thay vì để trau dồi, phát triển bản thân, không ít sinh viên dốc hết tâm sức vào đủ trò vô bổ.

PGS.TS công tác tại một trường đại học chuyên về lĩnh vực kỹ thuật ở TPHCM từng thốt lên đầy bất lực: "Giờ rất khó để thấy cảnh sinh viên say sưa tìm tòi, tìm hiểu, mày mò từng cái bóng điện, ổ cắm". 

Theo ông, giờ đây không ít sinh viên vào đại học chỉ để học cho qua môn chứ không phải học với khát khao khám phá, tìm tòi, giải quyết vấn đề.

Có thể có nhiều em tìm được cách học khác hiệu quả hơn học ở giảng đường  nhưng theo ông, đó chỉ là số ít, còn phần lớn các em chẳng học hành gì. 

Trong lễ khai giảng năm học này tại Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM), bài chia sẻ nhắc đến vấn nạn học sinh, sinh viên bị "ám" điện thoại của PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM thu hút sự quan tâm. 

Ông Vũ Hải Quân chia sẻ sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin phục vụ học tập là tốt nhưng đừng để điện thoại âm thầm biến người học trở thành tù binh của mạng xã hội và game.

Nhà tù vô hình này có thể chôn vùi tuổi thanh xuân, hoài bão và khát vọng của các em. Bớt sử dụng điện thoại, bớt những cám dỗ tầm thường, dồn tâm trí cho những công việc phi thường.

Giáo sư nước ngoài rút ruột gan trao đổi, sinh viên cắm mặt vào điện thoại  第3张

PGS.TS Vũ Hải Quân cảnh báo người học có thể biến mình thành tù binh của mạng xã hội và games nếu không biết kiểm soát việc sử dụng thiết bị công nghệ (Ảnh: VNUHCM).

Cũng trong lễ khai giảng năm học 2024-2025, khi trao đổi với tân sinh viên, PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) cũng nhấn mạnh, bước chân vào đại học chỉ là điểm khởi đầu, sinh viên đừng chủ quan, bay bổng quá.

Cuộc đời sinh viên rất đẹp nhưng cũng có nhiều khó khăn thử thách, cũng như nhiều cám dỗ đang chờ đợi các bạn ở phía trước.

Điều cần làm đầu tiên, theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh là sinh viên đừng để mình chìm đắm trên mạng xã hội, trên TikTok. Các em cần hướng đến lối sống lành mạnh, cân bằng giữa học tập, giải trí và tránh xa các cạm bẫy.