Giải thưởng Sách Quốc gia 2024: Lần đầu tiên bạn đọc tham gia đề cử
(Dân trí) - Ngày 6/6, Hội Xuất bản Việt Nam ra thông báo mời độc giả đề cử, giới thiệu những cuốn sách có giá trị cao về nội dung, hình thức... tham dự Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII-2024.
Để kịp thời phát hiện và tôn vinh những cuốn sách, bộ sách có giá trị nổi bật, Hội Xuất bản Việt Nam mời bạn đọc cả nước tham gia đề cử sách tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII-2024.
Đó là một trong những nét mới, đột phá của Giải thưởng Sách Quốc gia, dự kiến sẽ trao vào tháng 10/2024.
Chia sẻ với báo chí ngày 7/6, Hội Xuất bản Việt Nam cho hay, bạn đọc có thể đề cử những cuốn sách, bộ sách có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ, có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng hoặc đóng góp sâu rộng về chuyên môn.
Các tác giả đoạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VI-2023 (Ảnh: Ban Tổ chức).
Theo đó, sách được đề cử phải được viết bằng tiếng Việt, sách dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và sách chuyển ngữ Hán-Nôm hoặc từ tiếng dân tộc ít người sang tiếng Việt. Sách được lựa chọn xét giải phải bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật về xuất bản, sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật có liên quan.
Sách đề cử được xuất bản bằng tiếng Việt và đã được Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận nộp lưu chiểu trong khoảng thời gian từ ngày 1/11/2022 đến ngày 31/10/2023.
Đối với bộ sách nhiều tập có nội dung liên tục và kết nối với nhau chỉ được tham dự xét giải khi đã xuất bản trọn bộ. Trong đó, tập cuối của bộ sách nộp lưu chiểu đến ngày 31/10/2023; cả bộ sách được tính là một tên sách.
Đối với bộ sách xuất bản theo chủ đề, các tập có nội dung độc lập, hoàn chỉnh: Mỗi tập được tính là một tên sách riêng biệt, được tham gia xét giải.
Sách dự xét giải bao gồm sách in truyền thống và sách điện tử được xuất bản lần đầu hoặc tái bản (chưa được xét giải), thuộc các thể loại: Sách chính trị, kinh tế; sách khoa học tự nhiên và công nghệ; sách khoa học xã hội và nhân văn; sách văn hóa, văn học và nghệ thuật; sách thiếu nhi.
Sách dự xét giải phải đạt yêu cầu về minh họa đẹp, kỹ thuật in đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, không có sai sót về hình thức trình bày sách.
Những tác phẩm, công trình đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước; sách giáo khoa, sách tham khảo cho học sinh không tham dự Giải thưởng này.
Các tác phẩm được trao giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VI (Ảnh: Minh Thu).
Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, những năm gần đây, xu hướng sách dịch ngày càng tăng lên. Vì vậy, việc tăng số lượng giải và tách giải cho sách trong nước và sách dịch là cần thiết nhằm ưu tiên tôn vinh đóng góp, sáng tạo của các tác giả trong nước đồng thời vẫn bảo đảm yêu cầu tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại qua sách dịch, nhất là ở mảng sách khoa học và công nghệ.
Giải thưởng cũng hướng tới các cuốn sách tóm tắt ngắn (một sản phẩm đang trở thành xu hướng trong ngành xuất bản) và các cuốn sách về kỹ năng. Bởi hiện nay, các cuốn sách kỹ năng trên thị trường rất nhiều nhưng chất lượng chưa ổn định vì vậy cần có những tác phẩm được thẩm định, đánh giá qua giải thưởng lần này.
Ông Nguyễn Nguyên cũng yêu cầu các nhà xuất bản có tác phẩm đoạt giải cần chú trọng đến công tác quảng bá sách sau giải thưởng.
"Không thể để tình trạng tác phẩm đoạt giải, trao thưởng xong rồi lại cất đi như những năm trước đó, các đơn vị cần có giải pháp để đưa sách gần hơn với độc giả, tiếp tục lan tỏa văn hóa đọc", ông Nguyên nói.
Giải thưởng Sách Quốc gia là giải thưởng cấp quốc gia, được tổ chức và trao giải hàng năm do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo quản lý, Hội Xuất bản Việt Nam, Cục Xuất bản, In và Phát hành là cơ quan trực tiếp thực hiện.
Giải thưởng Sách Quốc gia năm nay cũng có sự thay đổi trong cơ cấu giải. Số lượng giải thưởng tăng ở cả 5 mảng sách, trong đó giải A được tăng từ một lên hai giải cho mỗi mảng sách. Số lượng giải B, C và Khuyến khích cũng sẽ tăng lên. Ngoài ra, Ban Tổ chức sẽ có tặng thưởng cho biên tập viên, họa sĩ có đóng góp trực tiếp vào cuốn sách, bộ sách đoạt giải cao.
Đăng thảo luận