Hình ảnh đôi trẻ cầm bó hồng khổng lồ, khoe iPhone, túi xách Louis Vuitton và bữa tối sang trọng đã biến mất trong lễ Thất tịch năm nay.

Thất tịch (ngày 7/7 âm lịch) được coi là ngày lễ Tình nhân của Trung Quốc. Năm nay ngày này rơi vào thứ 7 nhưng vắng lặng. Hashtag tiêu dùng giảm mạnh Lễ thất tịch người trẻ không muốn chi tiền hẹn hò đã trở thành chủ đề hot nhất mạng xã hội Xiaohongshu thu hút 200 triệu lượt xem.

Các chủ cửa hàng hoa than thở về việc thiếu khách hàng, đăng tải hình ảnh những bó hoa hồng chưa bán được xếp trong tủ kính.

Giáo sư Alfred Wu, Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng này là giới trẻ (những người chi tiêu cho hẹn hò nhiều nhất) đang khó khăn tìm kiếm việc làm. "Tâm trạng chung khá tệ và họ phải tiêu dùng thận trọng", ông nói.

Giới trẻ Trung Quốc không còn mạnh tay chi cho hẹn hò  第1张

Bó hồng khổng lồ ở khu trung tâm thương mại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh dịp Lễ Thất tịch 2023. Ảnh: CNN

Hành vi chi tiêu trong hẹn hò của giới trẻ đang khiến một số đơn vị lo lắng. Những năm trước, lễ Thất tịch là cơ hội tốt để các công ty tiếp thị sản phẩm của họ. Nhưng hiện tại, hãng mỹ phẩm L’Oréal và nhà sản xuất ô tô Volkswagen đã cảnh báo về nhu cầu và sự tự tin tiêu dùng ở Trung Quốc đang ở mức thấp.

Báo cáo tập đoàn kim cương De Beers trong nửa đầu năm 2024 cho thấy họ đang chịu thách thức kinh tế từ cuối 2023. Nhập khẩu trang sức, kim cương ở Trung Quốc cũng giảm 28%.

Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến nỗ lực khuyến khích kết hôn, tăng tỷ lệ sinh của chính quyền. Trong 6 tháng đầu 2024, Trung Quốc có 3,43 triệu cặp kết hôn chỉ bằng 50% số liệu ghi nhận trong cùng kỳ 10 năm trước.

Đồng thời, giới trẻ cũng đang quen dần với thuật ngữ 996 (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần) và 007 (làm việc mỗi ngày).

"Kể từ đầu năm ngoái, tâm lý người tiêu dùng không trở lại", Ola Kaellenius, chủ tịch tập đoàn Mercedes Benz, nói. "Chúng tôi cũng không biết mất bao lâu họ mới mạnh tay chi tiêu trở lại".

Ngọc Ngân (Theo CNN)