"Thầy hiệu trưởng dẹp luôn quỹ lớp nên phụ huynh không phải bàn tán gì hết, rất khỏe" là thông tin tích cực được một hội trưởng cha mẹ học sinh gửi về Tuổi Trẻ.
Phụ huynh đón con tan trường trưa 3-10 tại Trường tiểu học Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN
Câu chuyện trường học không có quỹ lớp tạo hiệu ứng tốt, đa phần ý kiến cho rằng cần nhân rộng mô hình này ra các ngôi trường khác trong cả nước.
Việc "dẹp quỹ phụ huynh" xuất phát từ Trường tiểu học Hòa Phú (tỉnh Bình Dương) càng có ý nghĩa hơn khi đây là ngôi trường tại địa bàn liền kề khu công nghiệp, học sinh đa phần là con em công nhân, người lao động nhập cư từ nhiều tỉnh thành cả nước.
Với nhiều phụ huynh phải xa quê hương thì số tiền tiết kiệm được tuy nhỏ nhưng cũng chính là từ sự chắt chiu công sức lao động vất vả của họ mỗi ngày.
Số tiền nhỏ cũng giúp phụ huynh bớt đi khó khăn, hay giúp thêm để cuối năm họ mua tấm vé tàu, vé xe... cho các em về quê đoàn tụ, ăn Tết với người thân.
Trường học ở Bình Dương không có quỹ lớp, phụ huynh không phải bàn tán gìĐỌC NGAY
Ngoài Trường tiểu học Hòa Phú, tại nhiều ngôi trường khác ở Bình Dương, phụ huynh cũng không phải "đau đầu" với quỹ lớp đầu năm học.
Nhân rộng mô hình "trường học không quỹ lớp" thực ra không khó, quan trọng nhất vẫn là cái tâm của những người làm giáo dục.
Như ngành giáo dục tỉnh Bình Dương từ đầu năm đã quán triệt thông tư của Bộ GD-ĐT xuống các trường, hướng dẫn rõ các khoản gì phải thu, khoản gì không được thu.
Trong đó, các nhà trường được yêu cầu không được thu quỹ lớp. Phụ huynh nếu muốn có thể tự nguyện đóng góp để chi cho các hoạt động trực tiếp chăm lo quyền lợi của học sinh như liên hoan cuối kỳ, tổ chức Tết Trung thu...
Không được thu quỹ phụ huynh để dùng vào những việc như trang bị cơ sở vật chất, trả thù lao giảng dạy, quản lý, bảo vệ...
Sự tự nguyện phải trên nguyên tắc "không bắt buộc, không cào bằng", nghĩa là không được ấn định mức thu lên từng trường hợp. Phụ huynh tùy theo hoàn cảnh, khả năng của mình để ủng hộ nhiều hoặc ít, không có cũng không sao.
Việc tham gia tài trợ của các nhà hảo tâm cho các cơ sở giáo dục cũng vậy, vẫn phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và đúng mục đích. Có thế mới tránh được những chuyện "lùm xùm".
Quan trọng hơn, quy định chỉ là một phần, cốt lõi nhất vẫn là con người. Trong câu chuyện "trường học không có quỹ lớp" chính là lòng tự trọng, tình yêu thương học trò của các thầy cô.
Một cô giáo của Trường tiểu học Hòa Phú chia sẻ khi không có quỹ lớp thì việc giảng dạy của cô "không gặp bất kỳ khó khăn gì", bài ôn tập cô soạn sẵn rồi cung cấp để phụ huynh chuẩn bị cho học sinh.
Hay thầy hiệu trưởng của trường cũng chia sẻ thật thà "mỗi năm đều được cấp trên hỗ trợ 90 triệu đồng để sửa chữa cơ sở vật chất, nếu có phát sinh sẽ báo cáo để có phương án, không vận động phụ huynh đóng góp".
Những hiệu ứng tốt từ các ngôi trường không quỹ lớp mang lại năng lượng tích cực, qua đó giành được sự tin yêu và ủng hộ của phụ huynh và xã hội. Từ sự tin yêu lan tỏa đó, chắc chắn sẽ có thêm nhiều đóng góp, hỗ trợ tự nguyện để thầy và trò cả nước có điều kiện dạy và học tốt hơn.
Đăng thảo luận