Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh, giúp tối ưu hoá hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội.

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã được thực hiện nghiêm túc, khẩn trương.

Theo đó, tỉnh chú trọng triển khai công tác truyền thông về chương trình chuyển đổi số; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp uỷ, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư. Đa dạng hoá các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số: các cổng thông tin điện tử (website), mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, tài liệu; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền xây dựng nông thôn mới. 

Trên địa bàn tỉnh đã triển khai các phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, du lịch nông thôn, phần mềm hỗ trợ công tác công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới. 

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành triển khai tới 100% cơ quan hành chính Nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Các cơ quan Nhà nước xử lý văn bản điện tử hoàn toàn trên môi trường mạng qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đồng thời thực hiện ký số văn bản điện tử, liên thông gửi lên trục liên thông quốc gia. 

Hoà Bình: Chuyển đổi số giúp tối ưu hoá hoạt động kinh tế - xã hội  第1张  Trung tâm Hành chính công tỉnh Hoà Bình.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh hiện có 162 điểm cầu được duy trì hoạt động ổn định, trong đó có 1 điểm cầu trung tâm đặt tại Văn phòng UBND tỉnh; 10 điểm cầu tại UBND các huyện, thành phố; 151 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn. 

Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh duy trì hoạt động ổn định, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước đều được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ trao đổi công việc mở rộng đến các đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội.

Số tài khoản thư điện tử đã cấp cho các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh là trên 13.000 tài khoản. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc đạt trên 50%. 

Cổng thông tin điện tử của tỉnh tại địa chỉ http://hoabinh.gov.vn gồm 1 cổng chính và 181 trang thông tin điện tử thành viên (20 sở, ban, ngành; 10 UBND cấp huyện và 151 xã, phường, thị trấn) thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin theo đúng quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Kinh tế số được đẩy mạnh và triển khai rộng khắp các lĩnh vực kinh tế. Kinh tế số nông nghiệp nông thôn tiếp tục duy trì phát triển nhanh và bền vững trên sàn thương mại điện tử Portmart.vn và Voso.vn. 

Hiện nay, tỉnh Hoà Bình có 114/129 xã có hợp tác xã đạt 88,4%. Các hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các sản phẩm chủ lực đã được kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, Postmart. 

Việc phát triển kinh tế số đã dần thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm ra toàn quốc. 

Tổng số thuê bao điện thoại duy trì trên toàn mạng đạt trên 800 nghìn thuê bao, tỷ lệ máy điện thoại xấp xỉ đạt 100 máy/100 dân. Số lượng thuê bao Internet ước đạt trên 600 nghìn thuê bao; tỷ lệ người sử dụng dịch vụ điện thoại di động có điện thoại thông minh đạt 71%. Tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao cáp quang đạt 54%; thuê bao truyền hình IPTV, truyền hình cáp đạt trên 48 nghìn thuê bao. 

100% các trường học trên địa bàn xã đã trang bị nền tảng học trực tuyến để phục vụ công tác dạy và học trên môi trường mạng. 100% các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. 

Những tháng cuối năm 2024, tỉnh Hoà Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp uỷ, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư trên địa bàn. Đa dạng hoá các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số, mạng xã hội, cổng thông tin điện tử của địa phương, tờ rơi, tài liệu. 

Tăng cường áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; gắn cải cách hành chính với chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến ở cấp xã.

Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý điều hành, đặc biệt là quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn và các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường. Xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới…