Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị, Chủ tịch UBND xã Minh Khai Đỗ Xuân Đáng cho biết, phát huy “4 tại chỗ” trong công tác PCCC, đến nay 7 thôn trong xã đã trang bị 13 máy bơm áp, 145 họng nước, hơn 6000m dây dẫn, với tổng kinh phí là 1,2 tỉ đồng, tất cả đều từ nguồn xã hội hóa. Từ đó, 85 khu dân cư trên địa bàn được bao phủ bởi hệ thống PCCC sử dụng nước ao hồ và bể nước của các hộ dân. Khi có tình huống cháy xảy ra, đội dân phòng PCCC (đã được tập huấn, huấn luyện) sẽ là lực lượng nòng cốt tại chỗ, kịp thời ứng phó với sự cố.
Quan sát màn diễn tập tại xã, chúng tôi đã thấy được sự chuyên nghiệp của lực lượng dân phòng xã Minh Khai trong việc chữa cháy. Khi tình huống xảy ra, lực lượng dân phòng trong trang phục PCCC đã nhanh chóng lắp vòi vào họng nước, máy bơm cao áp được bật lên, vòi rồng phun nước xối xả…
Diễn tập PCCC tại xã Minh Khai, huyện Hoài ĐứcĐội trưởng Đội cảnh sát PCCC và Cứu nạn Công an huyện Hoài Đức Trung tá Nguyễn Minh Hiếu cho biết, mô hình PCCC tại xã Minh Khai là điển hình trong phương án “4 tại chỗ” của công tác PCCC tại cơ sở. Bởi khi hỏa hoạn xảy ra, lực lượng PCCC chuyện nghiệp phải mất tối đa 30 phút mới tiếp cận được hiện trường. Trong thời gian đó, lực lượng dân phòng (với trang thiết bị tại chỗ) có thể tận dụng nước ao hồ, nước tại bể chứa của các hộ dân và hệ thống vòi bơm, ứng cứu sự cố kịp thời.
Theo Trung tá Nguyễn Minh Hiếu, Hoài Đức là nơi đất chật người đông, địa bàn dân cư nhiều ngõ ngách, khi tình huống cháy xảy ra, phương tiện chuyên nghiệp rất khó tiếp cận mục tiêu. Vì vậy những thiết bị nhỏ gọn “4 tại chỗ” vẫn là ưu tiên số một…
Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường đánh giá, mô hình xã hội hóa trong công tác PCCC ở xã Minh Khai là điểm sáng của Hoài Đức. Sắp tới huyện sẽ vận động người dân các xã trên địa bàn, nhân rộng mô hình vì trên địa bàn Hoài Đức, nhiều làng nghề tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn PCCC – đặc biệt là ở nơi đông dân cư, nhiều ngõ ngách, lại có nghề mộc như Sơn Đồng.
Tuyên truyền PCCC đến tận ngõ xóm.Theo thông kê của Công an huyện Hoài Đức, 9 tháng qua hỏa hoạn chỉ làm 2 người bị bỏng nhẹ, thiệt hại về kinh tế chỉ 86 triệu đồng. Huyện Hoài Đức có 20 xã thị trấn, nhưng số khu dân cư (thôn, xóm, tổ dân phố) lên tới 135, trong đó số khu dân cư có nguy hiểm cháy nổ cao là 12; có 1 khu công nghiệp, 8 cụm công nghiệp và nhiều làng nghề tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Để đảm bảo an toàn PCCC, Công an huyện đã tổ chức kiểm tra 686 lượt cơ sở, lập 686 biên bản. Ngoài ra lực lượng chức năng còn tiến hành kiểm tra 98 nhà trọ, kiểm tra liên ngành 2 cơ sở, kiểm tra đột xuất 5 cơ sở, kiểm tra PCCC trong quá trình thi công 1 cơ sở, phối hợp PC07 kiểm tra nghiệm thu PCCC 4 cơ sở.
Công an huyện Hoài Đức "cầm tay chỉ việc" với lực lượng dân phòng PCCC xã Minh KhaiQua công tác kiểm tra, đã phát hiện 188 tồn tại, thiếu sót về PCCC phải xử phạt vi phạm theo quy định. Ra quyết định xử phạt 112 trường hợp/188 lỗi vi phạm về PCCC, với số tiền 2.753.800.000 đồng. Ban hành 11 quyết định tạm đình chỉ hoạt động, 10 quyết định đình chỉ hoạt động, xây dựng 159 công văn kiến nghị yêu cầu cơ sở khắc phục. Ngoài công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, Công an huyện Hoài Đức còn xây dựng được 131 đội dân phòng với 1.339 người, 4192 đội PCCC cơ sở với 10.022 người…
"4 tại chỗ" là phương án có hiệu quả trong PCCCTheo Phó trưởng Công an huyện Hoài Đức, Thượng tá Nguyễn Thành Vinh, 9 tháng qua, lực lượng PCCC Công an huyện đã làm tốt công tác tham mưu về PCCC và CNCH, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC đến người dân trên địa bàn. Qua đó khi các vụ cháy xảy ra, đều được người dân chủ động xử lý trong giai đoạn ban đầu, nên thiệt hại về tài sản không lớn, đặc biệt là không có thiệt hại về người. Cạnh đó, Công an huyện Hoài Đức cũng luôn duy trì tốt công tác thường trực chiến đấu, đảm bảo quân số, phương tiện thường trực chiến đấu, xuất xe nhanh và kịp thời, chữa cháy hiệu quả...
Đăng thảo luận