Thị trường điện máy ngày càng bão hòa và cạnh tranh khốc liệt, nhiều doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược kinh doanh, thậm chí bán cả đồ thực phẩm khô, nước mắm.

Khi siêu thị điện máy phải bán thêm nồi niêu, nước mắm, gia vị  第1张

Cửa hàng Điện Máy Xanh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) mang giỏ nhựa, thùng rác, chén dĩa... ra bày bán trên vỉa hè - Ảnh: BÔNG MAI

Mở rộng bán theo combo, tăng hàng gia dụng, các "ông lớn" điện máy đang nỗ lực tìm lối thoát trước cơn bão thị trường.

Bán cả nồi niêu xoong chảo, gia vị

Anh Bảo Châu (quận Phú Nhuận, TP.HCM) có nhu cầu tìm mua máy tính bàn để làm việc tại nhà.

Đến cửa hàng bán máy tính, điện thoại trên đường Hoàng Văn Thụ, anh Châu bất ngờ được nhân viên giới thiệu loại máy tính bàn nhưng có loại máy tính PC all-in-one (tất cả trong một), tức dòng sản phẩm tích hợp nhiều ưu điểm của máy tính bàn (PC) và laptop.

ĐỌC THÊM
  • Điện máy Xanh triển khai dịch vụ giao hàng siêu tốc 'sáng mua - chiều lắp'

Dòng máy tính này để bàn không tốn quá nhiều diện tích, cấu hình mạnh nhưng giá nhỉnh hơn máy tính thông thường 5 - 7 triệu đồng.

Thấy hợp lý, anh Châu đặt mua và được nhân viên giới thiệu luôn gói cước WiFi, camera, máy in... cho phòng làm việc. Anh Châu nhìn nhận các cửa hàng điện máy cung cấp những giải pháp toàn diện hơn.

Theo ghi nhận tại nhiều hệ thống điện máy ở TP.HCM, bên cạnh các sản phẩm điện tử truyền thống như tivi, tủ lạnh hay máy giặt..., các doanh nghiệp bán lẻ lớn như Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim và FPT Shop đang tập trung tăng các sản phẩm công nghệ.

Theo quan sát, các sản phẩm như camera giám sát, máy tính xách tay, máy in và thiết bị văn phòng hiện đang chiếm vị trí quan trọng trong danh mục của nhiều siêu thị điện máy.

Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm công nghệ, nhiều cửa hàng điện máy đã thử nghiệm bán thêm các sản phẩm gia dụng, xoong chảo, thậm chí cả thực phẩm khô.

Tại một cửa hàng Điện Máy Chợ Lớn trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP.HCM), chị Nguyễn Thùy bất ngờ khi thấy gian hàng bày bán cả gia vị và thực phẩm khô như tiêu Tứ Xuyên, nước mắm.

Di Động Việt, một hệ thống chuyên về công nghệ, hiện bán cả các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp như máy massage, bàn chải điện, máy tăm nước...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Kim Vân, giám đốc marketing của Di Động Việt, cho biết công ty nhận thấy tiềm năng lớn trong lĩnh vực này và tin rằng đây là xu hướng tiêu dùng phù hợp với năng lực hiện tại của hệ thống.

Không dễ thành công

Tuy nhiên, không phải sự mở rộng nào cũng mang lại thành công. Điện Máy Chợ Lớn từng biến không gian 1.400m² thành nơi trưng bày các mặt hàng không chỉ điện máy mà còn đồ gia dụng và nội thất.

Sau một thời gian thử nghiệm, siêu thị đã phải loại bỏ toàn bộ các sản phẩm ngoài điện máy do hiệu quả kinh doanh không đạt kỳ vọng, khiến 25% diện tích trưng bày bị trống.

Thực tế nhiều doanh nghiệp điện máy khác cũng gặp khó khăn tương tự. Điển hình là chuỗi siêu thị điện máy Trần Anh, từng là thương hiệu lớn tại miền Bắc, đã phải giải thể sau nhiều năm thua lỗ.

Trước đó, hệ thống VinPro của Vingroup cũng đã phải đóng cửa sau 5 năm ra mắt do không đạt được mục tiêu phát triển dài hạn.

Trong bối cảnh thị trường điện máy ngày càng bão hòa, nhiều doanh nghiệp đã phải thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí mạnh mẽ.

Điển hình là Thế Giới Di Động (MWG), dù công ty ghi nhận doanh thu lên tới 76.540 tỉ đồng 7 tháng đầu năm 2024, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. MWG đã phải đóng cửa hàng trăm cửa hàng kém hiệu quả, bao gồm 50 cửa hàng Thế Giới Di Động - TopZone, 156 cửa hàng Điện Máy Xanh supermini, và 149 nhà thuốc An Khang.

Vẫn nỗ lực khai phá tiềm năng

Dù thị trường bão hòa, nhiều doanh nghiệp vẫn đầu tư để đón tiềm năng tăng trưởng. FPT Shop, vốn là hệ thống bán lẻ sản phẩm công nghệ lớn, đã bắt đầu thử nghiệm mô hình bán sản phẩm điện máy từ đầu năm 2024.

Sau 8 tháng thử nghiệm, FPT Shop đã mở 10 cửa hàng điện máy với diện tích lớn, cung cấp hơn 200 sản phẩm từ 30 thương hiệu nổi tiếng.

Theo ông Nguyễn Việt Anh - phó tổng giám đốc Công ty bán lẻ FPT Retail (chủ sở hữu hệ thống FPT Shop), Việt Nam hiện nay chỉ có rất ít nhà bán lẻ điện máy, gia dụng thật sự chuyên nghiệp:

"Có những ngày nắng nóng, nhu cầu rất lớn về máy lạnh lắp ráp tận nhà. Khi đó với nhiều người, giá tiền không còn là vấn đề. Với số rất ít doanh nghiệp bán lẻ chuyên nghiệp như hiện nay thì không thể nào đáp ứng nổi".

Cũng theo vị lãnh đạo FPT Retail, nếu tình hình khả quan, năm 2025 hãng có thể mở thêm đến 200 cửa hàng.

Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp bán lẻ điện máy mở rộng sang lĩnh vực công nghệ số và chăm sóc sức khỏe không chỉ giúp họ tối ưu hóa doanh thu mà còn tạo ra cơ hội phát triển mới, đặc biệt là khi thói quen tiêu dùng của khách hàng đang chuyển dịch mạnh sang mua sắm trực tuyến. Sự phát triển đồng bộ các kênh bán hàng, từ trực tiếp đến trực tuyến, đang trở thành chìa khóa để các doanh nghiệp bán lẻ tồn tại và phát triển.

Thị trường quy mô 120.000 - 150.000 tỉ đồng/năm

Theo ông Nguyễn Việt Anh - phó tổng giám đốc FPT Retail, thị trường điện máy hiện có quy mô khoảng 120.000 - 150.000 tỉ đồng mỗi năm với các phân khúc máy lạnh chiếm 31%, tivi 29%, tủ lạnh 22% và máy giặt 18%.

Ông nhận định rằng tiềm năng của thị trường vẫn còn rất lớn, đặc biệt đối với các dòng sản phẩm máy lạnh và máy giặt, khi tỉ lệ hộ gia đình chưa sử dụng các sản phẩm này vẫn cao. Giá thành ngày càng hợp lý cũng là yếu tố giúp các sản phẩm điện máy tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.