Luật Nhà giáo mới ở giai đoạn chuẩn bị trình ra Quốc hội nhưng đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Giáo viên và học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP. Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tháng trước, quy định về giấy phép hành nghề đã được rút khỏi dự thảo. Còn lần này, đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo đang làm dậy sóng nhiều diễn đàn.
Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn đã thúc đẩy Chính phủ trình Quốc hội luật riêng về nhà giáo. Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, Đảng, Nhà nước luôn dành ưu tiên cho giáo dục. Nhưng đội ngũ hơn 1,6 triệu nhà giáo với loại hình trường lớp đa dạng, điều kiện rất khác nhau.
Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên: Ủng hộ nhưng tránh đặc quyền, đặc lợi
Đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?
Thầy cô dạy đại học, nhất là trường tốp trên, thầy cô ở thành phố lớn tham gia luyện thi, bồi dưỡng… thu nhập khá cao so với mặt bằng chung.
Nhưng cô giáo mầm non, thầy cô vùng sâu, vùng xa đời sống rất khó khăn.
Chỉ một câu trong nghị quyết trung ương 4, khóa VII từ tháng 1-1993: "Khuyến khích người giỏi làm nghề dạy học" đã không dễ thực hiện.
Khi thu nhập thực tế không cao, môi trường làm việc vất vả, tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng thì thu hút người giỏi làm thầy là thách thức lớn.
Giáo dục còn ngổn ngang bao chuyện. Dư luận chưa hết phiền lòng vì cô giáo "đòi" phụ huynh mua laptop soạn bài, thì lại xôn xao cô giáo "thân mật" với nam sinh lớp 10...
Trước đó, cô giáo ở Tuyên Quang bị nhóm trò lớp 7 lăng mạ, hành hung ngay trong lớp làm dư luận sửng sốt. Nhưng bất bình hơn là sự thản nhiên của một vài lãnh đạo địa phương, rằng chuyện không có gì, cô "cũng có vấn đề" nên học trò mới thế.
"Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy", Luật Nhà giáo đang được đặt nhiều kỳ vọng. Dự án luật phải đưa ra những chính sách mới, tạo xung lực nâng cao vị thế, nhiệt huyết, năng lực và thái độ trách nhiệm của người thầy.
Thế nhưng, việc thiết kế chính sách đột phá, đồng thời đáp ứng tiêu chí "đã chín, đã rõ" không đơn giản. Nhiều nội dung dự thảo đang khó, đang vướng so với các luật hiện hành.
Giáo viên mầm non làm việc vất vả, quy định tuổi về hưu là 60 như hiện nay rõ ràng không phù hợp. Nhưng giảm tuổi hưu của cô xuống 55 như dự thảo mà vẫn giữ nguyên mức lương hưu thì lại vấp phải quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và nguyên tắc có đóng, có hưởng của quỹ này.
Quan tâm nhà ở cho giáo viên, nhưng đối tượng nhà giáo được thụ hưởng theo Luật Nhà ở đã quy định rõ, nay nới thêm có gây chồng chéo?
Tương tự, ý tưởng miễn giảm học phí cho con nhà giáo là nhân văn, nhưng với khó khăn nguồn lực bảo đảm và lo ngại về tính công bằng thì quy định này cần được cân nhắc thấu đáo...
Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội sẽ thông qua nhiều luật, nghị quyết theo tinh thần đổi mới: chỉ quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không sa vào chi tiết, "luật hóa" nghị định, thông tư vốn thuộc trách nhiệm Chính phủ, bộ ngành.
Nhiệm vụ nặng nề ấy, Quốc hội khó hoàn thành trọn vẹn nếu thiếu đóng góp của các chuyên gia và cử tri cả nước. Như Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn
mạnh: Làm luật phải bảo đảm chất lượng, tạo được niềm tin trong nhân dân.
Với luật khó như Luật Nhà giáo thì sự tham gia mang tính xây dựng của người dân, dư luận xã hội ngay từ khi luật còn chưa chính thức đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội là tín hiệu tích cực, thể hiện niềm tin của nhân dân với cơ quan lập pháp và cũng góp phần để luật sát thực tiễn hơn, tuổi thọ của luật cao hơn như kỳ vọng!
Đăng thảo luận