Mẹ vợ ra trông cháu giúp nhưng bà can thiệp vào cuộc sống của vợ chồng tôi quá nhiều, khiến tôi khó chịu.
Chuyện là vợ tôi vừa hết kỳ nghỉ sinh 6 tháng, nhờ bà ngoại ra trông cháu đến khoảng 2 tuổi rồi mới cho đi học. Bà còn khỏe nên ở quê, bà vẫn có quầy bán đồ khô ở chợ. Ban đầu, bà từ chối, không muốn lên nhưng về sau chắc nghĩ thương con gái nên bà đồng ý.
Hai tuần đầu tiên, tôi thấy cuộc sống dễ chịu hẳn khi có bà. Chúng tôi đi làm không phải lo con ở nhà no hay đói, có quấy khóc hay không. Ngày xưa, bà là y tá nên chăm cháu rất khoa học và biết cách chơi với trẻ con.
Bà cũng giỏi sắp xếp thời gian nên vừa chăm cháu vừa nấu nướng, dọn dẹp rất nhịp nhàng. Hai vợ chồng tôi về đến nhà là có cơm ăn luôn.
Khỏi phải nói, người mừng nhất là vợ tôi. Sáu tháng ở nhà chăm con khiến cô ấy kiệt sức, sắp trầm cảm đến nơi. Mẹ đẻ tôi cũng thi thoảng ở quê ra hỗ trợ, thậm chí đồng ý ở lại chăm cháu một thời gian dài nhưng vợ tôi lại không hợp tính mẹ chồng. Tôi cũng hiểu và chiều ý vợ.
Từ khi bà ngoại xuất hiện, vợ tôi giống như chết đuối vớ được cọc. Tôi cũng thấy mẹ vợ quả không hổ danh đảm đang, tháo vát như mọi người vẫn khen.
Nhưng sống lâu thì vấn đề bắt đầu nảy sinh.
Mẹ vợ lên chăm cháu khiến cuộc sống của con rể ngột ngạt. Ảnh minh họa: FreepikCuối tuần, nhà tôi thường đi uống cà phê hoặc đi chơi loanh quanh, ăn hàng quán. Nhưng mẹ vợ cho thế là lãng phí. Đến quán, bà ăn gì uống gì cũng chê ra chê vào, ngúng nguẩy kêu đắt. Có lần chúng tôi rủ đi ăn sáng, bà không đi, đòi ở nhà bế cháu, khiến chúng tôi ăn bát phở cũng áy náy.
Ngay cả chuyện tôi đi đá bóng tuần 1 lần, bà cũng khó chịu. Từ ngày cưới đến giờ đã 3 năm, vợ tôi chưa từng phản đối sở thích này của tôi. Cô ấy bảo đá bóng cũng như chơi thể thao, miễn là có giới hạn, tuần 1 - 2 buổi thì được. Thế mà vừa thấy tôi xách giày ra khỏi cửa, bà đã ngấm nguýt.
Tôi nghe được rõ ràng lời bình phẩm “vô công rồi nghề” của bà. Tôi cũng hơi “sốc” và có chia sẻ với vợ. Cô ấy động viên rồi xuê xoa bảo: “Thế hệ của bà chỉ có làm việc kiếm tiền mới là chân lý, chứ làm gì có thời gian chơi bời, thể thao. Anh thông cảm cho bà, bà nói kệ bà”.
Vợ nói thế thì tôi đành cố nhịn. Nhưng đỉnh điểm là lần tôi đặt hàng online một đôi giày đá bóng về nhà. Tôi đi làm nên nhờ bà ở nhà nhận giúp, tiền tôi đã trả. Vừa thấy tôi về đến nhà, bà đá thúng đụng nia, mặt nặng mày nhẹ. Tôi đoán có lẽ bà đã kịp nhìn giá của đôi giày 2 triệu đồng.
Sau bữa cơm tối hôm đó, bà kéo vợ tôi vào phòng. Tôi ở ngoài, vẫn nghe loáng thoáng bà than với cô ấy, nào là “ăn chơi”, “trưng diện”,… thậm chí có cả từ “bồ bịch”. Tôi nghe thấy vợ tôi gạt đi và bênh tôi “một năm anh ấy chỉ mua 1 - 2 đôi giày”, rồi “mua đồ tốt tí thì dùng càng bền”,…
Mặc dù đang rất khó chịu trong lòng nhưng tôi rất cảm kích vợ, cũng định nhắm mắt làm thinh.
Nhưng sáng hôm sau, lúc cả nhà ngồi ăn sáng, bà lại kể tình cờ nghe được chuyện của nhà hàng xóm: “Cậu Hưng sát nhà mình mới 33 tuổi mà mua nhà, mua xe. Hôm trước, mẹ vợ cậu ấy khoe lương tháng 5 - 6 chục triệu. Cậu ấy tốt tính mà chẳng nhậu nhẹt, chơi bời gì. Thanh niên bây giờ giỏi thật đấy!”.
Vợ tôi chắc cũng hiểu ngụ ý của bà nên lại vớt vát cho tôi đỡ "quê": “Vợ chồng con cũng có kém gì mấy đâu, cũng có nhà mấy năm rồi đấy thôi. Xe thì bọn con chưa có nhu cầu nên chưa mua thôi. Mình thấy đủ là đủ, chứ sống mà cứ so bì thế mệt mỏi lắm mẹ ơi!”.
Cả ngày hôm đó, tôi bực lắm, cảm thấy bị chạm vào lòng tự ái. Mẹ vợ nói thế khác nào chê tôi kém cỏi, không lo được cho con cháu bà.
Tôi định bàn với vợ cho bà về quê để thuê giúp việc. Nếu cứ để bà ở đến năm con tôi 2 tuổi thì cuộc sống mệt mỏi, ngột ngạt quá. Nhưng tôi cũng sợ mẹ vợ và vợ giận. Theo các anh chị, tôi nên làm thế nào?
Độc giả giấu tên
Đăng thảo luận