Tới dự và chúc mừng có các đồng chí: Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà; Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam Nguyễn Thanh Tùng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quý Tiên; Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Phạm Quang Thanh, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành của T.Ư và TP Hà Nội.
Lãnh đạo TP Hà Nội tặng hoa chúc mừng ngày truyền thống ngành Xây dựng Hà Nội.Nỗ lực vượt khó
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, ngày 10/10/1954, trong không khí hân hoan đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô, Sở Công chính - tiền thân của Sở Xây dựng Hà Nội ngày nay đi vào hoạt động. Kể từ đó, ngày 10/10 đã trở thành ngày truyền thống, ngày thành lập của ngành Xây dựng Hà Nội.
Trong suốt quá trình này, ngành Xây dựng đã trải qua nhiều chặng đường phát triển quan trọng. Sau ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 đến năm 1964: Khi mới tiếp quản nhiệm vụ, Sở Công chính thực hiện chức năng quản lý hành chính và sự nghiệp các ngành kiến trúc, giao thông, thủy lợi. Với nhiệm vụ chính: Tu sửa nhà cửa, công thự của các cơ quan; vệ sinh, cống rác, đường xá, cầu cống, đê điều, cấp nước, chiếu sáng, hệ thống cây xanh, cứu hoả, quản lý quy tắc xây dựng…
Thời kỳ tích cực xây dựng TP, tham gia vào công cuộc giải phóng Miền Nam 1965 – 1975: vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, đã thi công giao thông hào, hầm trú ẩn, cơ sở sơ tán cho các cơ quan xí nghiệp, hầm tránh bom, sân bay kép, sản xuất cơ khí chuyên dùng, bê tông đúc sẵn và những công trình dân dụng. Hàng nghìn thanh niên trong ngành đã lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Năm 1969, Ủy ban Hành chính TP ra quyết định thành lập Cục Xây dựng Hà Nội; đến năm 1975 đổi tên thành Sở Xây dựng Hà Nội.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong phát biểu khai mạc lễ kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng Hà Nội.Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 1975 - 1986: cùng cả nước bước vào giai đoạn khắc phục khó khăn xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục thực hiện các chức năng nhiệm vụ trong tình hình mới; được vinh dự tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình thủy điện Sông Đà… đặc biệt đã đảm nhiệm một số công trình giúp nước bạn Lào.
Sự nghiệp Đổi Mới do Đảng khởi xướng từ Đại hội VI năm 1986 đến nay: ngành Xây dựng Hà Nội đã kịp thời chuyển hoạt động theo cơ chế mới, quyết tâm đổi mới tư duy, đa dạng hoá sản phẩm, ngành nghề kinh doanh; mô hình sản xuất, xây dựng bắt đầu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đã đẩy mạnh nhiệm vụ quy hoạch, quản lý đô thị và nhà ở, nhiều khu đô thị mới được hình thành như Khu đô thị Văn Quán, Mỗ Lao, Văn Phú…; các khu công nghiệp bắt đầu hoạt động khởi sắc như Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Bắc Phú Cát, An Khánh...
“Với chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng, cùng các ngành, cấp T.Ư và TP, ngành Xây dựng Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đạt được nhiều thành tích góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, đảm bảo an ninh - chính trị của Thủ đô” – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong nói.
Cần tập trung cải cách hành chính và chuyển đổi số
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã biểu dương và chúc mừng những kết quả mà ngành Xây dựng Hà Nội đã đạt được trong suốt chặng đường 70 năm xây dựng, phát triển. Trong đó có một số kết quả nổi bật, như: tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các luật liên quan, nổi bật là Luật Thủ đô sửa đổi; tham mưu UBND TP xây dựng các quy hoạch, đáp ứng yêu cầu của quản lý chuyên ngành;
Đồng thời, ngành Xây dựng Thủ đô đã đảm bảo công tác quản lý lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị (cấp thoát nước; đầu tư, cải tạo, nâng cấp các công viên, vườn hoa, cây xanh; quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng theo chế độ tiết kiệm điện năng tiêu thụ, vận hành tự động; hạ ngầm hệ thống đường dây chiếu sáng, viễn thông...).
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu chúc mừng và giao nhiệm vụ cho ngành Xây dựng Hà Nội.Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn yêu cầu ngành xây dựng tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới, gồm: xây dựng và tham mưu những cơ chế, chính sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô sửa đổi để thu hút đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, cải tạo chung cư cũ, nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư; quản lý, vận hành, khai thác hạ tầng kỹ thuật , dịch vụ công cộng có hiệu quả.
Đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam và Nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tập trung phối hợp thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm trên địa bàn, đặc biệt là những dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (đường Vành đai 4; Vành đai 3,5; các dự án cầu qua các quận, huyện) từ đó định hình phát triển hệ thống đô thị vệ tinh theo định hướng của Chính phủ.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh (thứ sáu từ trái sang) trao Huân chương Lao động Hạng Ba cho ngành Xây dựng Hà Nội.Đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình phát triển nhà ở TP giai đoạn 2021-2030; các Kế hoạch phát triển nhà ở, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư; bám sát tình hình thị trường bất động sản để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh;
Tập trung phối hợp để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành nhà máy nước thải Yên Xá; xây dựng các dự án cấp nước sạch, nhất là cấp nước sạch khu vực nông thôn, nâng tỷ lệ cấp nước khu vực nông thôn lên 100%; đẩy mạnh thực hiện theo phân cấp, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, giám định, cấp phép xây dựng; thường xuyên rà soát, kịp thời ban hành, công bố chỉ số giá, giá vật liệu cho phù hợp với thị trường. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh.
“Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là ngành Xây dựng cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao trách nhiệm, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; thực hiện tốt việc quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động trên môi trường mạng, tích hợp với các hệ thống thông tin quản lý, điều hành của TP và Bộ quản lý chuyên ngành; hoàn chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về nhà ở, hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng...” - Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.
Đăng thảo luận