Nhiều cổ phiếu thực phẩm tăng giá, nhóm bảo hiểm giảm sâu
(Dân trí) - Trong khi thị trường giao dịch buồn ngủ, thanh khoản rất thấp thì nhiều cổ phiếu ngành thực phẩm tăng giá mạnh.
Thị trường tiếp tục diễn biến kém tích cực trong phiên sáng nay (10/9). VN-Index giảm 3,27 điểm tương ứng 0,26% còn 1.264,46 điểm; HNX-Index giảm 0,9 điểm tương ứng 0,39% và UPCoM-Index giảm 0,26 điểm tương ứng 0,28%.
Thanh khoản khá đuối. Sàn HoSE chỉ có 271,39 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 6.296,8 tỷ đồng và trên HNX là 19,36 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 376,76 tỷ đồng. Thị trường UpcoM có 12,34 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 180,66 tỷ đồng.
Sự thận trọng vẫn bao trùm thị trường. Trong khi phần lớn cổ phiếu chiết khấu thì lượng tiền nhập cuộc mua vào vẫn khiêm tốn.
Thị trường giao dịch khá buồn tẻ và kém tích cực phiên sáng nay (Ảnh minh họa: Hải Long).
Sắc đỏ chủ đạo trong bức tranh thị trường. Có 226 mã giảm so với 131 mã tăng trên HoSE; HNX có 80 mã giảm, 39 mã tăng và UPCoM có 94 mã giảm, 96 mã tăng.
Dòng cổ phiếu ngành thực phẩm sáng nay gây chú ý với mức tăng giá tốt và một số mã có giao dịch sôi động. AGM tăng trần và trắng bên bán, có dư mua giá trần. BAF và NAF cũng có thời điểm tăng trần trước khi hạ độ cao. BAF hiện đang tăng 4,9% và NAF tăng 4,3%.
Cổ phiếu "ông lớn" DBC cũng tăng mạnh 3,1% lên 29.850 đồng, khớp lệnh đạt 10,6 triệu đơn vị. PAN tăng 3,1% lên 23.150 đồng, HAG tăng 2,9% lên 10.700 đồng, ANV, VHC, IDI, MSN cũng tăng giá.
Chiều ngược lại, cổ phiếu ngành bảo hiểm tiếp tục bị bán mạnh. Sáng nay, PGI giảm 3,1%; BIC giảm 3%; MIG giảm 2% và BVH giảm 1,5%.
Cổ phiếu dịch vụ tài chính cũng giảm trên diện rộng với DSE giảm 2,1%; BSI giảm 2%; VDS giảm 1,5%; EVF giảm 1,3%; VIX, CTS, APG, AGR, FTS, VCI, TVS, SSI đều giảm giá. Nhóm ngân hàng phân hóa nhẹ. Trong khi SSB, MSB, VCB, HDB, CTG giảm thì TPB, VIB, LPB, STB lại tăng.
Hầu hết cổ phiếu bất động sản đang nhuộm đỏ bảng giá. NVT và KOS thoát sàn nhưng vẫn thiệt hại lần lượt 4,9% và 2,1%; hai mã này đều có thanh khoản thấp. QCG giảm 3,1%; DXG giảm 2,9%; NTL giảm 2,8%; DIG giảm 2%; NVL giảm 1,5%.
Tương tự tại ngành xây dựng và vật liệu cũng diễn ra phân hóa. KPF tăng 6,5%; BMP tăng 4,7%; TCD tăng 4,2%; CRC tăng 3,4% nhưng ngược lại có HVH giảm 2,5%; EVG giảm 2,1%; NHA, VGC, FCN đều bị điều chỉnh.
Theo nhận định của giới phân tích, thị trường diễn biến thận trọng nhưng vẫn đang được hỗ trợ tại vùng 1.263 điểm. Thanh khoản giảm cho thấy nguồn cung đang ở mức thấp khi thị trường giảm về gần vùng hỗ trợ 1.255-1.260 điểm. Tín hiệu nến hỗ trợ hiện tại có thể giúp thị trường có nhịp hồi phục trong thời gian gần tới.
Giới phân tích dự đoán, thị trường sẽ thêm lần nữa kiểm tra lại nguồn cung tại vùng quanh 1.280 điểm. Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng hồi phục ngắn hạn của thị trường, đồng thời được khuyến nghị ưu tiên các cổ phiếu có diễn biến ổn định và thu hút dòng tiền trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, tạm thời vẫn cần cân nhắc nhịp hồi phục để chốt lời ngắn hạn hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Đăng thảo luận