Cử tri TP Hồ Chí Minh không đồng tình về việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức là 30%, còn với người đã nghỉ hưu là 15%. Do đó, cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ LĐTB&XH quan tâm chính sách tiền lương đối với người đã nghỉ hưu.
Trước kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh, Bộ LĐTB&XH phản hồi, theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Điểm hướng dẫn làm thủ tục chi trả lương hưu.Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, đảm bảo đời sống của người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng thông qua việc thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, từng bước cải thiện đời sống của họ. Cụ thể, trong giai đoạn 2013 - 2023, Chính phủ đã 7 lần điều chỉnh lương hưu với mức điều chỉnh tăng bình quân hơn 8,43% cho mỗi lần điều chỉnh, cao hơn đáng kể so với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng trong cùng giai đoạn.
Có một thời điểm mặc dù Nhà nước không tăng mức lương cơ sở nhưng vẫn thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu (năm 2015 tăng 8%, năm 2022 tăng 7,4%).
Bộ LĐTB&XH cũng cho biết, trong năm 2024, triển khai thực hiện Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
Theo đó, từ ngày 1/7/2024, thực hiện điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2024 với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Đây là mức điều chỉnh gấp gần 2 lần mức tăng bình quân của giai đoạn 2013 – 2023, cao hơn nhiều so với tổng mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế (năm 2023, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng 3,25%, tăng trưởng kinh tế 5,05%; ước năm 2024 mức tăng chỉ số giá tiêu dùng từ 4% - 4,5%, tăng trưởng kinh tế từ 6% - 6,5%), thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc cân đối nguồn lực nhằm cải thiện mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng trên cơ sở phù hợp với khả năng cân đối của Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Cuối tháng 6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 quy định mức lương hưu sẽ tiếp tục được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cũng nêu rõ việc điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995, bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Đăng thảo luận