Sau mưa lũ, người dân đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật, bao gồm các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm, đau mắt đỏ...
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Minh Điền, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết sau bão lũ, nguồn nước, nguồn thực phẩm có nguy cơ bị ô nhiễm do các mầm bệnh có sẵn trong nước, chất thải của người và động vật, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt với những người có cơ địa đặc biệt như người già, trẻ nhỏ, người có bệnh mãn tính.
Trẻ em có nguy cơ nhiễm bệnh đường hô hấp cao do sức đề kháng non yếu, sau một thời gian chịu lạnh kéo dài, dinh dưỡng không đầy đủ. Các bệnh có thể gặp như cúm, viêm họng cấp, viêm amidan, viêm phế quản phổi, viêm phổi, nhiễm virus hợp bào đường hô hấp, một số trường hợp nguy cơ bị bội nhiễm. Để phòng bệnh, cha mẹ cần chú ý giữ ấm cổ họng, vệ sinh miệng bằng các nước muối, nước sát khuẩn. Trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn cần cho trẻ sử dụng thêm kháng sinh hướng hô hấp.
Sau bão lũ còn nguy cơ bệnh dịch đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy nhiễm khuẩn. Các biến chứng thường gặp ở bệnh tiêu chảy cấp như mất nước, rối loạn điện giải, nặng hơn có thể gây tụt huyết áp, trụy mạch, sốc suy đa phủ tạng. Để đề phòng, cần ăn chín uống sôi, vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh tay trước và sau khi chế biến thực phẩm, ăn uống, vệ sinh môi trường bề mặt bằng các thuốc khử khuẩn thông thường. Khi có biểu hiện đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đi ngoài phân lỏng, cần thông báo ngay cho y tế cơ sở.
Bệnh đau mắt đỏ có thể do vi khuẩn, virus trong nguồn nước ô nhiễm gây viêm giác mạc mắt và thành các ổ dịch nhỏ. Cần vệ sinh mắt bằng nước muối vô khuẩn.
Mưa lũ xảy ra là điều kiện thuận lợi để cho trung gian truyền bệnh là loăng quăng, bọ gậy, muỗi vằn phát triển. Người dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường sống, phun muỗi, che đậy bể nước mưa như chum vại, loại bỏ nước mưa trong lốp xe, lọ hoa, bể cá; nằm màn tránh muỗi đốt.
Khi người dân bị sốt xuất huyết cần nghỉ ngơi, theo dõi nhiệt độ, hạ sốt bằng thuốc paracetamol khi sốt cao trên 38,5 độ C, uống đủ nước và điện giải, ăn mềm dễ tiêu. Nếu có biểu hiện như tăng cảm giác đau, lừ đừ mệt lả, buồn nôn, nôn nhiều, chảy máu cam, chân răng bất thường cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám theo dõi và điều trị
Ngoài ra, người dân cũng có thể gặp các nhóm bệnh da, điển hình là viêm da tiếp xúc, bệnh lý thần kinh như căng thẳng, lo âu, trầm cảm nhẹ.
Cảnh tượng tan hoang sau cơn bão Yagi. Ảnh: Giang Huy
Bộ Y tế khuyến cáo người dân lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi trong thời gian mưa lũ kéo dài. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
Tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô... hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác động vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Đăng thảo luận