Đầu tháng 6, trên tài khoản mạng xã hội gần một triệu người theo dõi, Nguyễn Phương Ly đăng video kể về người mẹ đơn thân 12 năm, thông báo mẹ vẫn ế.
"Năm 17,18 tuổi mẹ là hotgirl tỉnh Yên Bái. Trai đuổi về đến tận nhà là chuyện như cơm bữa. Giờ mẹ cháu đang ế, có chú nào theo đuổi hồi đó giờ vẫn còn cơ hội nhé'', Ly, 21 tuổi, ở Hà Nội nói.
Năm 2012, mẹ Ly dắt hai chị em cô dọn ra nhà trọ, chính thức làm mẹ đơn thân. Nhìn mẹ một mình lo toan cho gia đình, căng thẳng nhưng không ai bầu bạn, cô con gái lớn khi đó đã giục mẹ có người yêu.
"Tôi nghĩ có thêm một người bạn đồng hành, cùng chia sẻ với mẹ khi khó khăn sẽ tốt hơn'', Ly nói.
Nhưng sợ không ai yêu con mình đủ nhiều, mẹ Ly không có ý định đi bước nữa. Một mình chị gồng gánh làm nhiều việc cùng lúc, có khi nửa đêm mới về, để nuôi hai con trưởng thành.
Khi cuộc sống ổn định, Ly càng muốn mẹ có người bầu bạn. "Nhìn bạn bè mẹ mỗi lần đi cà phê ai cũng có đôi, tôi lại càng thương, càng muốn mẹ có người chiều chuộng, chăm sóc", cô gái đang du học châu Âu nói.
Lần nào hai mẹ con đi chơi, thấy có vệ tinh vây quanh mẹ, Ly cũng bảo "để con bắt chuyện làm quen''. "Mẹ đẹp mà ở không cũng phí, có người chở đi spa, cùng đi ăn vẫn vui hơn'', cô hay thuyết phục như thế.
Khi bài đăng của Ly xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều nam giới trạc tuổi mẹ cô xin liên hệ, có người nói muốn gửi "CV" của bố mình sang cho Ly để mai mối hai người cho nhau. Dù chưa ai ''lọt vào mắt xanh'' của mẹ, nhưng Ly tin, khi tìm được đúng người, mẹ chắc chắn sẽ đón nhận hạnh phúc.
Phương Ly (phải) và mẹ chụp ảnh lưu niệm đầu năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị Vũ Cầm Thi, 45 tuổi, con gái bà Phạm Thị Ngọc Cầm, 80 tuổi, Hà Nội cũng chủ động tạo tài khoản, sử dụng tính năng hẹn hò của Facebook tìm bạn trai cho mẹ.
Bà Cầm làm mẹ đơn thân hơn 40 năm, một mình vừa làm nghề giáo, vừa làm nghề may nuôi con khôn lớn. Nhưng khi các con trưởng thành, có gia đình riêng, chị Thi phát hiện mẹ có biểu hiện trầm cảm. ''Tôi nghĩ nên tạo tài khoản mạng xã hội để mẹ giao lưu'', chị nói. Chị chọn bức ảnh đẹp nhất của mẹ đăng lên tính năng hẹn hò, viết lời giới thiệu.
Bốn năm trước, trong lúc dùng điện thoại của bà Cầm, chị Thi thấy tài khoản của ông Lưu Bách Chế. "Bác trông rất đạo mạo, hiền lành, có vẻ hợp với mẹ nên tôi gửi kết bạn", chị kể.
Bữa đó, ông Chế, nhà cách bà Cầm khoảng 5 km, đang ngồi xem điện thoại cùng con gái. Thấy có người gửi kết bạn cho bố, người con thúc giục nhận lời. Ông Chế cũng có cảm tình với người phụ nữ ôm bó hoa trong bức ảnh nhưng rụt rè chưa biết bắt chuyện thế nào. Con gái lại giục "Bố nhắn tin khen cô ấy đi". Người cha đang bối rối thì con đã cầm máy gửi tin nhắn.
Nhờ con, ông bà bắt chuyện làm quen. Vài ngày sau, họ lần đầu gặp mặt, cùng uống nước, đi dạo phố. Từ đó, hai người cô đơn có đôi, được chia sẻ đủ điều, nhớ nhung, hờn giận như muôn cặp tình nhân.
Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia, phân viện TP HCM cho biết xu hướng ủng hộ, thậm chí tìm người yêu cho bố mẹ như chị Thi hay Ly, đang hình thành trong lòng xã hội Việt Nam hiện đại. Khảo sát của VnExpress với hơn 1.000 độc giả, 91% ủng hộ bố (mẹ) đơn thân tìm hạnh phúc mới, vì cho rằng người già hay trẻ đều có nhu cầu tình cảm, cần người yêu thương, chăm sóc.
Kết quả điều tra của Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam năm 2020, ghi nhận thực trạng cứ 2,2 người cao tuổi có một người không hạnh phúc khi chung sống với con cháu.
Về mặt tâm lý học, bà Thúy đánh giá cao những người có quan điểm này. ''Có những đứa con hiểu được cảm xúc, tâm sinh lý của cha mẹ, họ sẽ rất vui và hạnh phúc", bà Thúy nói.
Khi ông Chế và bà Cầm thành đôi, các con ông bà thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt. Thi thoảng chị Thi lại tài trợ kinh phí để mẹ và bạn trai đi du lịch đây đó, tạo không gian riêng cho ông bà hẹn hò.
''Các con yêu thương chúng tôi nên cũng quý mến và tôn trọng người bạn mới của bố mẹ, giúp chúng tôi thoải mái thể hiện tình cảm của mình, không ngại định kiến'', ông Chế nói.
Hai ông bà thấy mình trẻ, khỏe và yêu đời hẳn. "Mẹ không còn để tâm những điều nhỏ nhặt rồi giận dỗi, tủi thân như trước", chị Thi kể. Con trai ông Chế cũng kể với họ hàng, ngày mẹ mất, anh thấy bố đau buồn như muốn đi theo, nhưng từ ngày có bà Cầm làm bạn, ông vui vẻ, trẻ trung hơn hẳn.
Ông Chế và bà Cầm tại nhà bà ở Đống Đa, hôm 1/3. Ảnh: Phạm Nga
Tuy nhiên, theo bà Thúy, bên cạnh những người con hiếu thảo, cởi mở, thực tế xã hội vẫn còn những người con không muốn bố mẹ mình đi thêm bước nữa. "Một số người sống ích kỷ, muốn sở hữu bố mẹ'', bà nói.
Trong phòng tham vấn tâm lý, bà Thúy gặp hai đối tượng, một là nhóm các ông bố, bà mẹ muốn tìm một nửa nhưng bị con cái phản đối. "Họ nói trong nước mắt vì buồn phiền. Họ cũng hoang mang tự hỏi liệu có phải mình ích kỷ, xấu xa khi có người yêu'', bà kể.
Nhóm thứ hai tìm đến phòng tham vấn của bà Thúy là những đứa con. Họ không biết nên ủng hộ hay phản đối, không biết phải cư xử với người mới của bố mẹ mình như thế nào.
Những người già chủ động tài chính thường không chịu áp lực từ con cháu, nhưng những người sống phụ thuộc thường vật lộn để đấu tranh giữa cảm xúc và đòi hỏi của con cháu.
Nhưng không phải ai người con nào phản đối bố mẹ cũng vì nghĩ cho lợi ích của mình. Có những trường hợp con không muốn bố (mẹ) có bạn không phải vì muốn cấm đoán, mà sợ người thân của mình bị lợi dụng, nhất là những người già có tài sản.
Vì vậy, chuyên gia khuyên con cái nếu nghi ngờ người yêu của phụ huynh không tốt thì nên tìm hiểu rõ, không phán xét, chỉ trích. Khi có bằng chứng, mới nói để bố (mẹ) hiểu.
Những người bị con cháu phản đối chuyện có mối quan hệ yêu đương nên xem xét nghiêm túc, xem đối tượng mình muốn tiến đến là ai, vì mục đích gì. Nếu chắc chắn vào tình cảm đối phương dành cho mình và ngược lại, họ sẽ đủ tự tin để thuyết phục con.
''Cha mẹ và con đừng bao giờ đối đầu với nhau. Hãy trao đổi thông tin, chia sẻ quan điểm. Nhưng cuối cùng thì vẫn là việc ai người đó quyết và phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình'', bà nói.
Bà Thúy cũng lưu ý với những người đơn thân, không nhất thiết phải có người yêu mới có hạnh phúc. Tùy hoàn cảnh, có thể kết bạn, tham gia các câu lạc bộ, hay bận rộn với việc theo đuổi một đam mê, sở thích để luôn vui vẻ.
Mẹ Ly đang tìm niềm vui bằng cách đó. Sau giờ làm, mẹ cô thường chơi với mèo, nấu ăn, dọn nhà cửa, đi cà phê, đi du lịch với bạn bè. ''Dù mẹ sống một mình hay đi bước nữa, tôi vẫn luôn ủng hộ và tôn trọng. Tôi nghĩ đấy mới là điều một người con nên làm với mẹ mình'', cô nói.
Phạm Nga
Đăng thảo luận