Hà NộiMỗi khi đi chơi quá 21h, Ngân, 23 tuổi, bị "khủng bố" bởi hàng chục cuộc gọi của phụ huynh, về nhà bị tra khảo và răn đe, khiến cô ngột ngạt, lâu dần phát bệnh.
Cô gái ví mình như "tù nhân" trong nhà, bởi bố mẹ đã kiểm soát mọi hoạt động và mối quan hệ. Bố cô vô cùng nghiêm khắc, mỗi khi con gái đi chơi tối, Ngân phải nhờ đối phương gọi điện cho bố để xin phép và không được về quá 21h. Mẹ cô hay đọc trộm nhật ký, kiểm soát mọi chi tiêu, giữ tiền lương và hộ chiếu của con.
"Nhiều lần tôi bày tỏ mong muốn ở riêng nhưng bị bố mẹ sẽ gạt phăng, răn dạy về đạo đức, cách sống, sau đó mắng nhiếc, thậm chí xúc phạm, đánh đập", Ngân kể.
Cô chia sẻ thêm bố mẹ thường nói cô là con một, gia đình phải hy sinh để nuôi dậy thành tài, vì thế "phải có trách nhiệm nghe lời, coi đó là đạo hiếu". Nếu đi ngược lại cách dạy dỗ của bố mẹ, cô bị coi là "bất hiếu", phải chịu "quả báo". Lâu dần, thiếu nữ trở nên thu mình, không muốn giao tiếp với mọi người xung quanh, chỉ quanh quẩn hai nơi là nhà và nơi làm việc.
Vài tháng gần đây, Ngân thường xuyên có những cơn sợ hãi đột ngột, khởi đầu với tim đập nhanh, choáng, đau ngực, kéo dài vài phút. Ngoài ra, nhiều đêm mất ngủ, không thể tập trung làm việc khiến cô buồn bã, có ý định tìm đến cái chết vì nghĩ không ai yêu thương mình, bản thân đang sống trong "địa ngục". Cố gắng vực dậy, Ngân dành dụm tiền đi khám tâm lý, bác sĩ chẩn đoán cô mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, phải điều trị bằng thuốc.
Tương tự, Hoa, 17 tuổi, muốn theo nghệ thuật song bố mẹ em phản đối, cho rằng nghề nghiệp này "viển vông, không ổn định", yêu cầu con học để thi kinh tế, nối nghiệp gia đình.
Mỗi lần cãi nhau với bố mẹ, Hoa buồn chán, đóng cửa ở trong phòng một mình, giày vò làm đau bản thân. Lâu dần, tâm lý nữ sinh bất ổn, căng thẳng, mất ngủ, không tập trung học tập, lực học cũng giảm sút. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, Viện đào tạo BHIU, Đại học quốc tế Bắc Hà, đồng thời là chuyên gia tư vấn tâm lý Học viện Hạnh phúc Việt Nam, chẩn đoán bệnh nhân bị trầm cảm nặng, sang chấn tâm lý, điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý.
Một bệnh nhân từng điều trị trầm cảm. Ảnh: Chuyên gia cung cấp
Cách nuôi dạy đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành tính cách, theo các chuyên gia. Nguyên nhân của việc nuôi dạy con gia trưởng có thể xuất phát từ việc chính cha mẹ từng bị ông bà áp đặt, nên áp dụng chính hình thức nuôi dạy đó với con cái mình. Ngoài ra, tính cách, khoảng cách thế hệ, suy nghĩ, quan niệm sống khác nhau khiến nhiều người vô tình nuôi dạy con theo kiểu "gia trưởng".
Theo thạc sĩ Tâm lý Lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos, trẻ em được nuôi dạy theo kiểu gia trưởng thường thiếu tự tin và sự tự trọng, làm bộc phát hành vi phản kháng hoặc nổi loạn ở con cái, làm gia tăng sự quản thúc và áp đặt ở ba mẹ, từ đó căng thẳng thêm mối quan hệ.
Chuyên gia Hương Lan phân tích rằng nếu cha mẹ áp đặt, con cái ban đầu có thể kìm nén bản thân để làm vui lòng người lớn, tạm mất dần ý thức về cảm xúc thật của mình. Tuy nhiên lâu dài, trẻ sẽ sinh ra ức chế cảm xúc - tiền đề gây ra nhiều vấn đề tâm lý.
Thực tế, nhiều trường hợp cảm thấy mặc cảm, lạc lõng vì cha mẹ không lắng nghe và hiểu những mong muốn thực sự của con, từ đó vô hình tạo ra bức tường tâm lý. Thái độ độc đoán của cha mẹ cũng hạn chế khả năng tự khám phá bản thân, ảnh hưởng đến tư duy con trẻ, làm hạn chế khả năng tự do lựa chọn và đưa ra quyết định, giải quyết vấn đề, đứa trẻ trở nên phụ thuộc vào người khác, thiếu lòng tin vào bản thân, cảm thấy bất an khi phải đối mặt với các thử thách trong cuộc sống.
Nặng hơn, trẻ có thể đối mặt với các rối loạn tâm lý như lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn nhân cách, gây trở ngại cho quá trình học tập.
Điều cốt lõi phụ huynh cần làm là lắng nghe và ghi nhận cảm xúc của con, tạo không gian cho con thể hiện ý kiến và cảm xúc của mình, đồng thời cho phép con được lựa chọn - cách hiệu quả để trẻ phát triển khả năng ra quyết định và tự quản lý, con sẽ cảm nhận được sự quan tâm và tôn trọng.
Thay vì gây áp lực, cha mẹ nên đề ra những nguyên tắc rõ ràng và giải thích cho con hiểu, để con cái có thể nhìn nhận toàn diện hơn về các quyết định trong cuộc sống, đồng thời dạy con học được cách tự chịu trách nhiệm với các hành động của mình nếu nhất quyết không nghe theo.
Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ không nên chỉ trích con quá mức mà hãy tận dụng cơ hội này để giúp con hiểu rõ hơn về lý do tại sao hành vi đó là không tốt, cung cấp cho con những bài học rút ra từ sai lầm, cũng là tiền đề để con hiểu hơn về những quyết định của cha mẹ, tạo gắn kết mối quan hệ.
Người thân, bạn bè nên cung cấp sự lắng nghe chân thành và tạo ra một không gian an toàn cho trẻ để chia sẻ cảm xúc mà không sợ bị phán xét.
Đối với xã hội, việc nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần và cung cấp các chương trình hỗ trợ cộng đồng (ví dụ các nhóm hỗ trợ đồng đẳng) là rất cần thiết. Các tổ chức xã hội có thể thành lập các lớp, nhóm chia sẻ để giúp gia đình hiểu hơn về các phương pháp nuôi dạy tích cực. Ngoài ra, việc tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội và nhóm hỗ trợ cũng giúp trẻ cảm thấy kết nối và bớt cô đơn.
"Đừng ép trẻ phải hoàn hảo, hãy để trẻ vui vẻ và tự do là chính mình, hãy luôn làm những điều tốt nhất cho con một cách nhẹ nhàng, ấm áp nhất", chuyên gia nói.
Thúy Quỳnh - Mỹ Ý
Đăng thảo luận