Quả đặc sản mất mùa, rớt giá, nông dân vùng "thập ngũ tiên sa" buồn thiu
(Dân trí) - Thanh trà là một trong những cây đặc sản của huyện trung du Tiên Phước (Quảng Nam). Năm nay cây ra quả ít, nhiều cây thối thân, rễ chết không rõ nguyên do, giá cả lại thấp khiến nông dân buồn thiu.
Đến với mảnh đất được mệnh danh "thập ngũ tiên sa" Tiên Phước, Quảng Nam, bên cạnh các loại quả bòn bon, dâu da đất, bưởi… thanh trà là loại quả đặc sản gây thương nhớ tại vùng đất xứ Tiên. Loại quả này được trồng nhiều tại các xã Tiên Hiệp, Tiên Ngọc, Tiên Lập…
Gần 100ha cây thanh trà ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam đang vào độ thu hoạch nhưng sản lượng giảm, giá cả lại thấp khiến nhiều nhà vườn đứng ngồi không yên.
Thanh trà là một trong những đặc sản của huyện Tiên Phước, Quảng Nam (Ảnh: Ngô Linh).
Theo bà Huỳnh Thị Phương (60 tuổi), một thương lái chuyên thu mua nông sản tại huyện Tiên Phước, năm nay thanh trà mất mùa, quả ra ít hơn mọi năm; nhiều vườn cây thanh trà chết hàng loạt do thối thân, rễ không rõ nguyên nhân.
Dù sản lượng thanh trà giảm nhưng giá vẫn không tăng, chỉ 12.000-15.000 đồng/kg đối với hàng đẹp; 7.000-9.000 đồng/kg đối với hàng đại trà.
"Thanh trà được tiêu thụ tại các chợ trong tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, vài năm nay thanh trà liên tục mất giá khiến nông dân điêu đứng", bà Phương cho hay.
3 năm trở lại đây, giá thanh trà xuống thấp khiến nông dân lo lắng (Ảnh: Ngô Linh).
Ông Bùi Văn Bảy (xã Tiên Hiệp, Tiên Phước) cho biết, mùa thanh trà thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch hằng năm. Gia đình ông có khoảng 300 gốc thanh trà đang cho thu hoạch. Khoảng 3 năm trở lại đây, thanh trà rẻ hơn một nửa so với mọi năm, chỉ dao động 7.000-15.000 đồng/kg.
Trong khi đó, công chăm sóc, phân bón tăng cao và đường đi lại khó khăn (thanh trà thường được trồng trên các ngọn đồi cao), bị ép giá nên lợi nhuận từ cây thanh trà khá thấp. Bên cạnh đó, trái cây từ các tỉnh phía nam nhập về nhiều khiến thanh trà Tiên Phước khó cạnh tranh.
Theo ông Bảy, trước tình trạng thanh trà rớt giá, đầu ra gặp khó, nhiều nông dân Tiên Phước đã chặt phá hoặc trồng xen canh các loại cây khác như: măng cụt, cam, bưởi…
Nhiều người dân mang thanh trà ra đường bán (Ảnh: Quỳnh Nguyễn).
"Hiện nay, tình trạng khó khăn nhất là nhiều cây thanh trà bị thối thân, rễ rồi chết không rõ nguyên nhân. Tôi không biết xử lý sao đây, phá đi thì tiếc mà giữ càng ngày càng lỗ", ông Bảy nói.
Gắn bó với cây thanh trà hơn 10 năm nay, bà Lê Thị Sanh (xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước) chia sẻ, cây thanh trà trồng theo kiểu chiết cành, khoảng 5 năm cho thu hoạch. Lúc trước, giá cả còn tốt, nhưng 3 năm trở lại đây giá cứ thấp dần khiến nông dân đứng ngồi không yên.
"Tôi trồng khoảng 200 cây thanh trà, thu nhập mỗi năm chừng hơn 20 triệu đồng, nhưng giờ thị trường bấp bênh quá", bà Sanh lo lắng.
Theo UBND xã Tiên Hiệp, địa phương có khoảng 80ha đất trồng thanh trà, sau những năm dịch Covid-19, giá cả các mặt hàng như bưởi, thanh trà của địa phương xuống thấp, người dân khó tiêu thụ. Xã cũng đang có chủ trương mở đường giao thông nông thôn, sau khi hoàn thành sẽ giúp cho việc giao thương thuận lợi hơn.
Đăng thảo luận