Quản trị nhân sự hiệu quả trong doanh nghiệp SME
(Dân trí) - Bộ phận nhân sự ở một số doanh nghiệp SME thường không được coi trọng. Tuy nhiên, chị Trần Thị Ngọc Thảo, nhà sáng lập cộng đồng nhân sự HR Talks với hơn 100 nghìn thành viên cho rằng, đây là nhận định chưa phù hợp trong thời đại này.
"Các doanh nghiệp nhỏ nếu không được tổ chức chiến lược nhân sự hợp lý sẽ dễ gặp thất bại trong việc thu hút và giữ chân nhân tài", chị Thảo nhấn mạnh.
Chị Trần Thị Ngọc Thảo, nhà sáng lập cộng đồng nhân sự HR Talks với hơn 100 nghìn thành viên.
Những thách thức của các doanh nghiệp SME trong quản trị nhân sự
Trong loại hình SME hay startup, bộ phận nhân sự thường không được coi trọng vì đa phần ban lãnh đạo xem nhân sự như bộ phận phụ trách các công việc hành chính hay bộ phận tiền lương. Do vậy, CEO thường kiêm nhiệm luôn chức năng của Trưởng bộ phận nhân sự, từ đó dẫn đến thiếu chức năng chuyên môn để xây dựng chiến lược và chính sách nhân sự phù hợp.
Tuy nhiên, theo chị Thảo, yếu tố con người giữ vai trò trọng yếu của doanh nghiệp. Do đó, việc tận dụng tốt nguồn lực này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển cả về quy mô hoạt động và lợi nhuận kinh doanh.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tinh gọn bộ máy quản trị là xu hướng của các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ hiện nay. Điều này góp phần đưa doanh nghiệp tiến bước xa hơn. Đặc biệt là các doanh nghiệp SME - nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ thường tổ chức bộ máy gói gọn với kinh phí hoạt động nhân sự có sự giới hạn nhất định.
Việc ra quyết định, điều hành hoạt động cũng như triển khai chiến lược của ban giám đốc cần đúng đắn, kịp thời và sát sao thực tế. Năng suất lao động hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, sản xuất.
Phần ngân sách dư ra từ việc giảm chi phí vận hành, sản xuất đó sẽ đầu tư cho mục đích tăng phúc lợi, đào tạo cho cán bộ công nhân viên, đầu tư các hạng mục phát triển văn hóa doanh nghiệp, gắn kết nhân viên và tăng sự gắn bó của nhân viên với công ty như team building (hoạt động vui chơi cùng công ty), year end (tiệc cuối năm), phát thưởng lễ Tết...
Chị cho rằng, con người phù hợp và một hệ thống quản trị nhân sự bài bản, chuyên nghiệp chính là tài sản và nền tảng giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Doanh nghiệp giống như một ngôi nhà. Nếu như chỉ tập trung vào kinh doanh phát triển khách hàng thôi mà không tập trung vào nhân sự con người và kiểm soát rất dễ mất mát. Thậm chí càng lên cao, càng dễ đổ.
Chị Thảo nhiều lần tổ chức các buổi hội thảo cung cấp thông tin về quản trị nhân lực cho SME.
Chị Thảo chia sẻ, hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hơi yếu và thiếu về mảng quản lý nhân sự, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Các chủ doanh nghiệp đi lên từ nghề chủ yếu tập trung vào chuyên môn. "Nỗi đau" của họ chính là không tuyển được người, không đánh giá được năng lực, không có quy trình đào tạo nhân viên, không có quy trình đánh giá hiệu suất của người lao động và không biết giữ được người tài khi để nhân viên ra vào liên tục.
Vì vậy, đây cũng là lý do, chị nhiều lần tổ chức các buổi hội thảo cung cấp thông tin về quản trị nhân lực cho SME và đồng hành trong vai trò cố vấn chiến lược giúp nhiều doanh nghiệp đạt được sự tăng trưởng bền vững trong giai đoạn khởi đầu và mở rộng quy mô. Bởi theo chị, nhân sự bài bản là tài sản và là nền móng vững chắc để doanh nghiệp trụ vững trên thị trường.
Chiến lược nhân sự cho SME
Theo chị Thảo, chiến lược đầu tiên là xác định mục tiêu và cơ cấu nhân sự phù hợp với mô hình của công ty. Cách tốt nhất và hiệu quả nhất để gắn kết nhân sự là văn hóa doanh nghiệp. Đây là sợi dây để nhân viên gắn bó và đồng hành cùng xây dựng bản sắc văn hóa công ty.
Nhân viên sẽ có được sự tin tưởng và tôn trọng nếu nhận được sự công bằng bình đẳng trong công việc, niềm tin tưởng và tôn trọng từ mọi người xung quanh. Các CEO có thể rút ngắn khoảng cách giữa cấp trên và dưới, cởi mở nói chuyện tạo ra một môi trường làm việc văn minh.
Chị Thảo thường xuyên đồng hành trong vai trò cố vấn chiến lược của nhiều doanh nghiệp.
Trong các mục tiêu khả thi, theo chị Thảo, những mục tiêu có thể được ưu tiên hàng đầu như: tổ chức quy trình làm việc rõ ràng; thiết lập thông lệ lao động có hợp đồng lao động minh bạch, có chế độ nghỉ việc, sinh con… Công ty cần có chính sách thu hút và giữ chân nhân viên. Do không có bộ phận nhân sự, các CEO nên tận dụng nguồn lực nội bộ để thu hút nhân tài về công ty. Bên cạnh đó, cần xây dựng, thảo luận chi tiết lộ trình nghề nghiệp, hay các biện pháp để nhân viên có thể học hỏi thêm được kiến thức và kinh nghiệm.
Các đơn vị cần cải thiện hoặc duy trì môi trường làm việc lành mạnh, hòa đồng, cởi mở; xây dựng chế độ lương thưởng hấp dẫn: xây dựng các cơ chế, chính sách khen thưởng cho nhân viên hoàn thành mục tiêu, kế hoạch.
Chị Thảo cho rằng, tạo động lực cho nhân viên là điều cần làm. Chủ doanh nghiệp cần hiểu rằng con người là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp và điều cực kỳ quan trọng là đảm bảo rằng nhân viên hoàn toàn hài lòng với vị trí và vai trò của họ trong công ty. Một số lợi ích tiềm năng của việc đáp ứng nhu cầu và mong muốn của nhân viên là tinh thần được cải thiện, năng suất cao, ý thức cam kết, lòng trung thành và tỷ lệ nhảy việc của nhân viên thấp hơn.
Để giữ chân được nhân viên giỏi thì các lãnh đạo cần phải tổ chức các chương trình đào tạo để phát triển kỹ năng cho nhân viên, đặc biệt với các nhân viên mới. Điều này không chỉ khẳng định doanh nghiệp quan tâm đến sự phát triển của nhân viên. Lợi ích khác là nhân viên cải thiện được năng suất hiệu quả, ý thức hiệu quả và tỷ lệ nhảy việc thấp hơn.
Chia sẻ về lý do chị thành lập group HR Talks và được xem là cộng đồng nhân sự hoạt động sôi nổi, chị cho biết muốn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, của chuyên gia nhân sự trong ngành để giúp những người đang làm trong lĩnh vực nhân sự có thông tin bài bản và mang lại hiệu quả hơn cho doanh nghiệp.
Đăng thảo luận