Theo nhà khoa học Gulbara Omorova, các sông băng ở Trung Á, đặc biệt trên dãy Thiên Sơn, đang đối mặt với sự tan chảy nghiêm trọng chưa từng có. Bà Gulbara Omorova cho biết, cách đây khoảng 8 - 10 năm, các dòng sông băng ở khu vực này vẫn còn tuyết phủ, nhưng trong 3 - 4 năm gần đây, tuyết đã hoàn toàn biến mất do nhiệt độ toàn cầu gia tăng. Tình trạng này khiến các sông băng không thể tái tạo, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và cuộc sống của người dân trong khu vực.
Cảnh báo từ các nhà khoa học cho thấy, tốc độ tan chảy của các sông băng đang gia tăng nhanh chóng. Ví dụ, sông băng Adygene, một trong những dòng sông băng hùng vĩ nhất trên dãy Thiên Sơn, đã thu hẹp hơn 900m mỗi năm kể từ thập niên 1960. Đây là biểu tượng rõ ràng cho sự biến mất dần của hàng nghìn dòng sông băng khác tại Trung Á.
Sông băng Trung Á đối mặt nguy cơ tan chảy nghiêm trọng
Sông băng trên núi Tian Shan của Kyrgyzstan. Ảnh: AFP
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Á - Âu, khoảng 14 - 30% sông băng ở Thiên Sơn và Pamir đã tan chảy trong vòng 60 năm qua. Các nhà khoa học cũng cảnh báo năm 2024 có thể trở thành năm nóng nhất trong lịch sử. Tình trạng nóng lên của Trái đất sẽ gây ra những tác động khủng khiếp tới môi trường, đặc biệt ở các vùng không giáp biển tại Trung Á, nơi đã phải hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai khắc nghiệt trong những năm gần đây.
Một trong những hậu quả lớn nhất của việc sông băng tan chảy là sự thay đổi trữ lượng nước ngọt, đe dọa đến an ninh lương thực và nguồn nước của hàng triệu người dân. Tại Kyrgyzstan, nước tan chảy từ các sông băng đã hình thành nên các hồ chứa mới và đổ xuống các ngọn núi, tạo thành dòng lũ chảy siết, gây nguy hiểm cho nhiều khu vực, bao gồm cả thủ đô Bishkek. Sự khan hiếm nước ngọt có thể dẫn đến căng thẳng giữa các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Kyrgyzstan và Tajikistan – hai quốc gia có khoảng 10.000 sông băng và phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước từ các dòng sông này.
Sự khan hiếm nước cũng có thể trở thành nguyên nhân gây xung đột giữa các nước láng giềng, khi nguồn tài nguyên nước bị thu hẹp do sông băng tan chảy. Kyrgyzstan và Tajikistan, hai quốc gia có địa hình chủ yếu là núi, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các dòng sông băng để cung cấp nước cho Trung Á. Khi các sông băng không còn, sự thiếu hụt nguồn nước sẽ trở thành mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực.
Bên cạnh tác động từ biến đổi khí hậu, các sông băng còn phải đối mặt với mối đe dọa từ hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên. Nhu cầu khai thác các nguồn tài nguyên ẩn sâu dưới lớp băng, đặc biệt là vàng, đã khiến tốc độ tan chảy của sông băng gia tăng nhanh chóng. Quá trình khai thác bằng hóa chất không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm suy yếu cấu trúc tự nhiên của các sông băng, khiến chúng bị bào mòn và tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh.
Tổng thống Kyrgyzstan, Sadyr Japarov, trong một cảnh báo vào năm ngoái, đã dẫn các dự báo cho thấy, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, các sông băng tại Trung Á sẽ giảm một nửa vào năm 2050 và có thể biến mất hoàn toàn vào năm 2100. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên mà còn gây ra khủng hoảng nghiêm trọng về nước, lương thực và sinh kế của hàng triệu người dân sống dựa vào các dòng sông băng tại khu vực này.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận