62% người tiêu dùng Việt Nam thắt chặt giảm chi tiêu
Kết quả khảo sát NielsenIQ Việt Nam vừa công bố cho thấy, do kinh tế khó khăn nên có đến 62% người tiêu dùng Việt Nam cắt giảm chi tiêu vào các mặt hàng không thiết yếu. Giám đốc khu vực miền Bắc của NielsenIQ Việt Nam Đặng Thúy Hà cho biết, người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang cắt giảm chi tiêu từ ngắn hạn sang dài hạn do họ đang gặp áp lực về việc chi phí sinh hoạt tăng, buộc phải cắt giảm chi tiêu các mặt hàng tùy ý để cân bằng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu.
Với thị trường Việt Nam để tiết kiệm hiện 62% người tiêu dùng Việt Nam thắt chặt giảm chi tiêu các mặt hàng không cần thiết. Khoảng 50% người dùng đã giảm bớt mua sắm những món đồ sang trọng, hơn 30% hoãn các chi phí lớn.
Người tiêu dùng mua sản phẩm giảm giá tại siêu thị Winmart. Ảnh: Hoài NamNhằm hỗ trợ người tiêu dùng, vượt khó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2245/QĐ-BCT về tổ chức “Chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia 2024 - Vietnam Grand Sale 2024”. Theo đó các doanh nghiệp sẽ thực hiện nhiều hoạt động khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng mua sắm sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp. Thông qua kích cầu tiêu dùng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Ở quy mô địa phương, để đẩy mạnh kích cầu những tháng cuối năm Sở Công Thương Hà Nội tổ chức sự kiện Tháng Khuyến mại Hà Nội với khoảng 800-1.000 điểm khuyến mại và 50 điểm Vàng khuyến mại. Các doanh nghiệp tham gia chương trình có mức giảm giá từ 30-100% cho các sản phẩm đăng ký tham gia khuyến mại.
Thực tế cho thấy để hỗ trợ người tiêu dùng vượt khó những ngày này hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội đang đồng loạt tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá. Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, để tổ chức các chương trình khuyến mại, siêu thị đã chủ động giảm lợi nhuận để tăng các chương trình khuyến mãi tại 800 điểm bán; Tổ chức các phiên chợ đồng giá...
Siêu thị Winmart giảm giá sản phẩm thu hút người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: Hoài Nam“Hiện hệ thống siêu thị Co.op Mart tổ chức chương trình khuyến mại "Túi hàng to - Giá tiền nhỏ". Chương trình giảm sâu lên đến 50% cho hơn 1.000 sản phẩm thuộc các nhóm hàng thiết yếu”-bà Dung nêu ví dụ.
Tương tự, nhằm kích cầu tiêu dùng hệ thống siêu thị WinMart/WinMart+/WiN triển khai nhiều chương trình ưu đãi mang đến cơ hội mua sắm hàng trăm sản phẩm “Giá siêu rẻ” với mức giảm giá lên đến 50% cùng các ưu đãi mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1. Các mặt hàng này đều thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu từ thực phẩm khô như dầu ăn, nước mắm, gạo, mỳ tôm, bánh kẹo, đồ uống cho đến hóa mỹ phẩm, đồ dùng chăm sóc cá nhân.
Đảm bảo chất lượng không bán hàng kém phẩm chất
Theo các chuyên gia kinh tế, việc giảm giá, khuyến mại được xem là giải pháp để kích thích sức mua. Tuy nhiên, để những chương trình đi vào thực chất, các đơn vị kinh doanh cần bảo đảm chất lượng hàng hóa khi giảm giá, tránh tình trạng nâng giá rồi giảm.
Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức thông tin, Saigon Co.op đã thực hiện ký kết hợp tác với các nhà cung cấp trong nhiều ngành hàng như may mặc, thủy hải sản, gia súc gia cầm… để xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Hoạt động này tạo hàng rào vững chắc ngăn hàng hóa không rõ xuất xứ, thực phẩm bẩn vào hệ thống phân phối.
Người tiêu dùng mua sản phẩm giảm giá tại siêu thị Winmart. Ảnh: Hoài NamTương tự, Phó Tổng Giám Đốc chuỗi WinMart Nguyễn Tiến Dũng cho biết, WinMart/WinMart+/WiN chủ động hợp tác với nhiều thương hiệu để cung cấp các sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh, đặc biệt là các ưu đãi độc quyền cho hội viên WiN. Cụ thể, với chương trình Hội viên WiN, khách hàng tiết kiệm được 20% khi mua 2 nhóm sản phẩm rau sạch WinEco và thịt sạch MEATDeli.
Bên cạnh các chính sách khuyến mại áp dụng cho hàng hóa trong danh mục hơn 600 sản phẩm giá tốt tại hệ thống, hàng nhãn riêng của WinMart cũng là sản phẩm được nhiều khách hàng lựa chọn. Việc chủ động quy trình sản xuất, chọn lọc nguyên liệu đầu vào đã giúp nhà bán lẻ kiểm soát giá cả, đảm bảo giá thành luôn thấp hơn từ 10-20% so với các sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường.
Quản lý thị trường kiểm tra thị trường tại hệ thống bán lẻ. Ảnh: Hoài NamĐể đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn hiện tượng khuyến mại “ảo”, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, lực lượng chức năng phối hợp với các hiệp hội ngành hàng kiểm tra, giám sát… hoạt động khuyến mại của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, từ nay đến cuối năm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội yêu cầu các đội quản lý địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Trong đó chú trọng kiểm tra, xử lý những doanh nghiệp có biểu hiện thực hiện chương trình khuyến mại không đúng theo quy định của pháp luật. “Thậm chí, Cục Quản lý thị trường Hà Nội có thể áp dụng biện pháp rút đăng ký kinh doanh những đơn vị, doanh nghiệp cửa hàng vi phạm”-ông Kiên khẳng định.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, đơn vị yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức khuyến mại phải đảm bảo không bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bán hàng lậu, hàng kém chất lượng. Sở Công thương sẽ triển khai và có biện pháp quản lí đối với các doanh nghiệp tới từng địa điểm bán hàng cụ thể. Trong đó sẽ đồng loạt kiểm tra các địa điểm có khuyến mại và duy trì thường xuyên hoạt động này. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện những sai phạm trong việc khuyến mại sẽ xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Đăng thảo luận