Vài năm trước, một phụ huynh 'khoe' với tôi rằng 'con tui 20 tuổi mà mỗi khi về nhà tui còn xé thịt đút cho cháu nó ăn'.

Ai đã từng đi dạy ở các trường cao đẳng, đại học trong những năm gần đây thì sẽ nhận ra một tỷ lệ rất lớn người học rất thụ động trong việc học và rất kém trong khả năng tự học, một kỹ năng rất cần thiết và quan trọng của giáo dục sau giáo phổ thông, và đặc biệt có một tỷ lệ không nhỏ các bạn sinh viên có dấu hiệu bị tự kỷ.

Nhóm những bạn sinh viên có dấu hiệu tự kỷ này có thể có nguyên nhân đến từ việc bạn được gia đình bao bọc quá mức từ bé hoặc vì hoàn cảnh gia đình mà thiếu đi sự quan tâm săn sóc của cha mẹ.

Đối với nhóm sinh viên bị bệnh tâm lý vì thiếu tình yêu thương của cha mẹ thường có xu hướng sống và học tập khá lầm lũi và khép kín và dễ dàng rơi vào lối sống buông thả nếu như bị bạn xấu lôi kéo và rủ rê.

Nhóm này thường đến trường và học một cách bất cần, các bạn rất dễ bỏ môn nếu phải học các môn học đòi hỏi phải làm việc nhóm và hoặc là viên thiếu sự quan tâm đặc biệt của giảng viên.

Còn đối với nhóm sinh viên bị "mắc kẹt trong tuổi thơ" thì mong manh như một đứa trẻ cấp một, cấp hai, các bạn rất khó để bắt kịp các bạn cùng lớp vì khả năng tiếp thu của các bạn chỉ khá một đứa trẻ tiểu học hoặc cùng lắm là trung học cơ sở.

Nhận thức các bạn như một bình nước đầy, không thể thu nhận thêm kiến thức dù đó là những kiến thức vô cùng đơn giản. Và một đặc điểm khá thú vị của nhóm sinh viên này là việc gì ở trường trọ đều thông báo cho phụ huynh.

Tôi còn nhớ một vài năm trước, phụ huynh của một bạn sinh viên nhà ở Tây Ninh gọi cho tôi 2 đến 3 lần một tuần để hỏi thăm tình hình của con và còn thắc mắc: "Tại sao con tui đi học mà trường bắt nó đi làm (thực tập)".

Nhiều phụ huynh còn lên tận trường "khoe" với tôi rằng con tui 20 tuổi mà mỗi khi về nhà tui còn xé thịt đút cho cháu nó ăn, hoặc có trường hợp còn buồn cười hơn là phụ huynh lấy xe đưa người giúp việc tận Trà Vinh lên Sài Gòn để dọn dẹp giặt giũ cho con trai mỗi tuần.

Chính vì thế nhóm sinh viên này việc các bạn chịu đi học chăm chỉ và làm được các bài tập về nhà hoặc làm được một cái gì đó đơn giản thì cha mẹ đã xem đó là một thành công vượt bậc, điều này cũng giống như bạn có con 5-6 tuổi và cháu vẽ được một vài nét nguệch ngoạc thì bạn đã xem đó là một thành tích lớn của con mình.

Hiện nay rất nhiều trường xem sinh viên của mình là "khách hàng", các trường luôn cố gắng cạnh tranh để thu hút thêm nhiều người học.

Và theo góc nhìn của tôi, tôi cho rằng đây là điều tốt vì điều này có thể tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục và nâng cao chất lượng đào tạo nếu như việc này được nhìn theo chiều hướng tích cực vì chỉ có cạnh tranh và làm "thỏa mãn" nhu cầu của "khách hàng" thì xã hội mới tiến bộ được. Và "nhu cầu khách hàng" ở đây phải là "tri thức" và môi trường học tập tương xứng với chi phí người học bỏ ra.

Việc giáo dục các nhóm sinh viên có vấn đề về tâm lý cần các lớp học đặc biệt và giáo viên cũng phải là những giáo viên đặc biệt.

Henry Nguyễn