Tổng cục Thuế đã thu thập thông tin 140 triệu tài khoản tổ chức, cá nhân kinh doanh online. Số thu thuế thương mại điện tử tăng mạnh, 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 50.000 tỷ đồng.
Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý ngân sách Nhà nước năm 2024 (Vietnam Digital Finance 2024) với chủ đề “Đổi mới quy trình nghiệp vụ và hệ thống thông tin ngành Tài chính trong kỷ nguyên số” diễn ra sáng 20/9, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng nhấn mạnh: Thời gian qua, ngành Tài chính đã tập trung nâng cao năng lực hạ tầng số, hoàn thiện dữ liệu số, đẩy mạnh phát triển các ứng dụng, dịch vụ số, góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán... giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính nêu một loạt số liệu cho thấy nỗ lực của ngành thuế trong việc chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả công tác quản lý ngân sách nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng phát biểu khai mạc sự kiện.Tới nay, hơn 99% doanh nghiệp trên toàn quốc đã sử dụng dịch vụ kê khai thuế và nộp thuế điện tử. Hết tháng 8/2024, khoảng 9,6 tỷ hóa đơn điện tử được cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý.
Trong 8 tháng năm 2024, hơn 40.000 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.
Để thực hiện tốt việc quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), Tổng cục Thuế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và các ngân hàng thương mại thu thập thông tin 929 sàn giao dịch TMĐT, 284 ứng dụng bán hàng online, với 140 triệu tài khoản của các tổ chức, cá nhân.
Số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT đã tăng mạnh từ 83.000 tỷ đồng năm 2022 lên 97.000 tỷ đồng năm 2023; 6 tháng đầu năm 2024 thu trên 50.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài nhằm hỗ trợ nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam. Đến nay, đã có 106 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký nộp thuế trên cổng thông tin điện tử, thu khoảng 16.800 tỷ đồng.
Đến nay, số thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt chỉ còn chiếm khoảng 0,069% so với tổng thu. Bộ Tài chính đã điện tử hóa 100% công tác thu ngân sách nhà nước nhờ tận dụng mạng lưới của ngân hàng thương mại.
Cuối năm 2023, khoảng 98.000 đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước tham gia dịch vụ công; 99% chứng từ chi ngân sách nhà nước thông qua dịch vụ công trực tuyến.
Với lĩnh vực Hải quan, Bộ Tài chính đang thực hiện kết nối, tích hợp, đồng bộ dữ liệu của 100% thủ tục hành chính đang thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.
Hệ thống thông tin Tổng cục Hải quan được kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư nhằm phục vụ xác thực thông tin công dân (người dân không cần xuất trình sổ hộ khẩu, giấy tờ liên quan đến thường trú, tạm trú khi thực hiện các thủ tục, dịch vụ thuộc lĩnh vực hải quan).
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, vẫn còn một số thách thức lớn trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn thu ngân sách nhà nước. Đơn cử khó khăn về cơ sở hạ tầng và thu thập dữ liệu phục vụ công tác quản lý hóa đơn điện tử, kinh doanh thương mại điện tử.
Qua khoảng 1 thập kỷ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều hệ thống của ngành Tài chính cần thay đổi để lấp khoảng cách công nghệ.
Tuy nhiên, kinh phí vẫn đang là khó khăn lớn nhất hiện nay.
Đăng thảo luận