Đó là ý kiến của nhiều người dân sống trong khu vực và một số doanh nghiệp thường xuyên qua lại BOT Phú Hữu (TP Thủ Đức).
Công ty cổ phần xi măng Vicem Hà Tiên (nhà đầu tư) bắt đầu thu phí xe cộ ra vào BOT Phú Hữu từ ngày 17-9 - Ảnh: CHÂU TUẤN
Trước đó, Tuổi Trẻ Online có bài viết "Một số doanh nghiệp, người dân chưa đồng tình cơ chế thu phí tại BOT Phú Hữu" nhận được nhiều phản hồi, kiến nghị xung quanh việc thu phí tại BOT Phú Hữu.
Người dân quanh BOT Phú Hữu bị ảnh hưởng?
Bạn đọc Linh chia sẻ: "Nhà tôi trong khu dân cư, chỉ cách cổng thu phí vài chục mét. Vợ chồng tôi đi làm bằng xe công nghệ, con cái cũng phải nhờ xe công nghệ đưa đón đi học mỗi ngày.
Bây giờ trạm thu phí thì tốn thêm rất nhiều tiền. Người thân lâu ngày đến thăm, xe giao hàng cồng kềnh... ra vào đều tốn thêm phí qua trạm BOT Phú Hữu".
Tương tự, một bạn đọc khác khi đăng ký xe đưa rước con đi học ra vào trạm phải tốn thêm 42.000 đồng/lượt ra vào. Sau đó, chị gọi xe taxi vào chở mẹ đi khám bệnh cũng tốn thêm 56.000 đồng/lượt ra vào. Toàn bộ xe taxi, xe công nghệ, xe đưa rước... đều không thuộc diện miễn giảm (có hộ khẩu trên 6 tháng).
"Như vậy, sinh hoạt phí của chúng tôi sẽ tăng lên rất nhiều phần nào ảnh hưởng tới cuộc sống các hộ dân ở khu dân cư quanh BOT Phú Hữu. Tôi rất mong chính quyền các cấp xem xét, tính toán thêm phương án miễn giảm phù hợp với người dân trong khu vực", bạn đọc này kiến nghị.
Còn bạn đọc Thanh Mai góp ý đường vào BOT Phú Hữu là đường độc đạo rất ngắn. Ngoài ra, khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng xe container đậu tràn lan, mùa mưa thì ngập nước... Tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra khiến người dân đi lại khó khăn.
Theo bạn đọc Thanh Mai, chủ đầu tư, các đơn vị quản lý cần xem lại mức phí cân đối cho phù hợp sinh hoạt, vận chuyển của dân trong khu này (đã có hộ khẩu trên 6 tháng). Đồng thời đảm bảo hạ tầng giao thông, an toàn giao thông cho dân an tâm đi lại.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tiếp tục cho rằng việc thu phí tại BOT Phú Hữu trên đường Nguyễn Thị Tư vào thời điểm này là áp lực lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu.
Việc đưa một container hàng từ TP.HCM xuất khẩu ra thị trường nước ngoài (và ngược lại) thì doanh nghiệp chịu rất nhiều khoản phí, như lệ phí cầu đường ở các BOT hiện hữu, phí xuất nhập khẩu qua cảng, thuế xuất nhập khẩu…
Cảng SP-ITC hỗ trợ phí cho xe khách hàng ra vào
Công ty cổ phần Vận tải và thương mại quốc tế (ITC Corp), đơn vị khai thác cảng container quốc tế SP-ITC trong cụm cảng Phú Hữu, vừa thông báo việc hỗ trợ phí qua BOT Phú Hữu đối với khách hàng.
Cụ thể, đối với hàng container xuất nhập khẩu và container hàng nội địa, cảng SP-ITC sẽ hỗ trợ chi phí tương đương 150% tổng mức phí đóng tại trạm BOT Phú Hữu. Trong đó, xe vào được hỗ trợ 100% và 50% cho xe ra. Ước tính mỗi ngày có 1.500 xe ra vào cảng này (tương đương với phí hỗ trợ 170 triệu đồng/ngày).
Theo cảng SP-ITC, việc hỗ trợ này để giảm chi phí cho các doanh nghiệp khi đi qua BOT Phú Hữu bắt đầu thu phí từ 17-9 vừa qua. Hiện tại giá vé xe container từ 54.000 - 110.000 đồng mỗi lượt.
Đối với hàng đóng rút tại bãi cảng bằng đường bộ, cảng SP-ITC hỗ trợ chung cho hai chiều 75.000 đồng/container 20 feet và 152.000 đồng/container loại 40 feet. Việc này sẽ khấu trừ trực tiếp vào hóa đơn sử dụng dịch vụ tại cảng.
Ghi nhận thắc mắc 10 ngày đầu
Trước đó, BOT Phú Hữu ở TP Thủ Đức vừa bắt đầu thu phí từ 17-9. Tuy nhiên một số doanh nghiệp (trong đó có VECE) và người dân khu vực chưa đồng tình, cho rằng cần có chính sách miễn giảm phù hợp.
Xe đi qua BOT Phú Hữu (trên đường Nguyễn Thị Tư, cách đường Nguyễn Duy Trinh khoảng 100m) được Công ty cổ phần xi măng Vicem Hà Tiên - nhà đầu tư - thu phí giá vé lượt từ 14.000 - 110.000 đồng/lượt (giá áp dụng từ hiện tại đến hết năm 2024).
Về vấn đề này, Sở Giao thông vận tải đã giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ theo dõi sát sao, ghi nhận những thắc mắc của người dân trong 10 ngày đầu. Từ đó báo cáo UBND TP.HCM có biện pháp xử lý, tháo gỡ phù hợp trong thời gian tới.
Đăng thảo luận