Quốc hội sẽ nghe tờ trình dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào ngày 13-11, thảo luận tại hội trường vào ngày 20-11 và nếu đồng thuận cao sẽ biểu quyết thông qua ngày 30-11.

Thông tin mới về việc xem xét chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam  第1张

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Ảnh: GIA HÂN

Ngày 20-10, trả lời về nội dung xem xét chủ trương dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV khai mạc từ sáng mai (21-10), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho hay hồ sơ dự án vừa được Chính phủ trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua (19-10).

Trình ra Quốc hội để xem xét cho chủ trương

Ông Hiếu cho hay Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp các cơ quan của Quốc hội thẩm tra kỹ lưỡng nội dung này. 

Do Chính phủ mới trình hồ sơ nên mọi nội dung về vốn cũng như đất dành cho dự án và các nội dung quan trọng khác chưa có thông tin. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế xác định việc thẩm tra chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là công việc hết sức quan trọng, nên sẽ dành nhiều thời gian để thực hiện.

  • Thông tin mới về việc xem xét chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam  第2张

    Thủ tướng: Đã có đủ điều kiện làm đường sắt tốc độ cao Bắc - NamĐỌC NGAY

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án rất lớn.

Dù hồ sơ dự án của Chính phủ mới trình ra Quốc hội, song thực ra các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bí thư tỉnh ủy là ủy viên trung ương đã thảo luận nội dung này tại Hội nghị Trung ương Đảng vừa qua.

Trung ương Đảng đã có chỉ đạo trình ra Quốc hội để xem xét cho chủ trương. Việc Quốc hội lần này xem xét là chỉ xem xét cho chủ trương, chưa "đụng gì" đến vấn đề chi tiết.

"Chủ trương bây giờ làm như thế nào, những định hướng lớn về phương pháp, công nghệ, tốc độ, rồi nguồn lực ở đâu? Còn chi tiết có nhiều khâu, sau này sau khi có chủ trương, Chính phủ mới làm dự án chi tiết, đánh giá tác động nhiều mặt", ông Định nêu.

Ông chỉ rõ tại kỳ họp lần này Quốc hội thuần túy cho chủ trương, "nôm na" là có làm hay không, làm trong bao nhiêu năm và có quyết tâm hay không.

"Việc này Trung ương Đảng đã thảo luận kỹ và đã có khung của trung ương. Quốc hội sẽ thể chế hóa về mặt Nhà nước, trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch", ông Định nhấn mạnh thêm.

Phó chủ tịch Quốc hội thông tin Quốc hội sẽ nghe tờ trình dự án vào ngày 13-11, thảo luận tại hội trường vào ngày 20-11 và nếu Quốc hội đồng thuận cao sẽ biểu quyết thông qua ngày 30-11, tức ngày bế mạc.

Luật Điện lực sửa đổi sẽ giải quyết bất cập về giá điện

Tại họp báo, trả lời câu hỏi về Luật Điện lực sửa đổi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh nói dự luật là nội dung quan trọng. Mục tiêu là khắc phục vướng mắc trong thực tiễn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tại lần sửa đổi này, theo ông Tuấn Anh, Chính phủ cũng đề xuất nhiều nội dung lớn. Thứ nhất là quy hoạch điện, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

"Quốc hội sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật Quy hoạch trong kỳ họp này, làm thế nào để giải quyết quy hoạch điện", ông Tuấn Anh nêu.

Thứ hai, việc đầu tư các dự án, công trình điện, đây cũng là chính sách lớn nhưng còn vướng mắc.

Thứ ba, giá mua điện, trong đó giá điện sinh hoạt làm sao để giải quyết những bất cập, bức xúc trong thực tiễn.

"Việc Chính phủ đề nghị thông qua một kỳ họp cũng là vấn đề rất băn khoăn. Song qua trao đổi với các cơ quan và xét tính chất rất cấp thiết, tôi thấy có thể thông qua một kỳ họp", ông Tuấn Anh thông tin.

Để làm được điều này, cơ quan thẩm tra đã đề nghị Chính phủ chỉ tập trung vào những chính sách lớn. Một số vấn đề vướng mắc khác, chưa phải cấp thiết có thể trình sau theo dạng một nghị quyết để Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết.

Trong quá trình thảo luận, cơ quan soạn thảo, thẩm tra rất nỗ lực, cố gắng để tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu và các cơ quan.